Truyền hình Đại Lộc

Những chuyến đò cuối cùng

Những ngày này, về tại khu vực bến đò Giao Thủy nơi giáp ranh giữa huyện Đại Lộc và Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) ai cũng mang trong mình cảm giác buồn man mác.Hai bên bờ những chiếc xe loạng choạng qua khỏi bãi cát để tiếp mạn thuyền, tiếng cười nói vẫn rôm rả nhưng ẩn trong không gian mênh mang ấy một nỗi buồn ly biệt, như người sắp phải chia tay kỷ niệm cuộc đời... Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt dự án xây dựng cầu Giao Thủy với mức kinh phí 823 tỉ đồng. Vậy là trong thời gian ngắn nữa thôi nơi đây sẽ biến thành công trường còn những chuyến đò hàng trăm năm tuổi sẽ hoàn thành sứ mệnh của mình để lùi vào dĩ vãng...

 

Những chuyến đò cuối cùng trên bến Giao Thủy.

Nhắc đến Thu Bồn là biết đến Quảng Nam. Với người dân nơi đây, sông Thu là cái tên đầy trìu mến, thân thương. Đây cũng là dòng sông lịch sử, Giao Thủy là vùng đất hội ngộ của nhiều con sông khắp vùng Quảng Nam có biết bao miền đất được nối liền bởi những chuyến đò. Bến đò Giao Thủy là một trong những bến đò ngang sông còn tồn tại đến bây giờ. Con sông Thu Bồn chảy qua đoạn Giao Thủy mang phù sa bồi đắp cho biết bao cây cối ruộng vườn. Màu xanh bạt ngàn của bắp, đậu hòa cùng màu xanh của nước sông, da trời tạo lên bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Giữa khung cảnh ấy những con đò ngược xuôi là điểm nhấn của hồn người, của cuộc sống. Đò GiaoThủy như một mối nối, một hồi ức xa xưa còn tồn tại đến bây giờ.

Và người lái đò cứ thế mỗi ngày lại đưa biết bao nhiêu người, bao nhiêu câu chuyện tiếp bờ. Có lẽ vì vậy mà trong những câu ca dao tục ngữ trong cuộc sống đều lấy hình ảnh con đò làm minh họa: "Qua sông thì phải lụy đò" hay "Qua sông cách trở đò giang. Bên ni nhớ chàng biết phải mần răng?". Nhớ những ngày nắng đẹp con sông mềm như một dải lụa vắt qua bãi mía nương dâu. Bên này sông là quê lụa Duy Xuyên rộn rã tiếng thoi, bên kia sông Đại Lộc nổi tiếng với bánh tráng phơi khắp nẻo đường. Rồi những chuyến đò làm phương tiện vận chuyển đưa hàng hóa sang. Cũng từ đó mà những vùng đất có sự giao thoa lẫn nhau, con người cũng gần gũi hơn.

Đi đò ở Quảng Nam cũng rất đặc biệt. Người người không ai vội vã mà cứ nhẩn nha nói cười. Có người đi đò mãi thành khách quen ra đến bờ sông còn tụm ba tụm bảy tán chuyện. Leo lên thuyền rồi còn cố gọi vọng lại hẹn ngày mai sẽ kể cái này cái kia cho người trên bờ nghe. Rồi những ngày mưa lũ dòng sông đục ngầu giận dữ, con thuyền chao đảo chống chọi lại những cơn sóng như muốn nuốt chửng lấy con người. Vượt qua mọi tai ương của thời tiết bằng sức mạnh tiềm tàng con người vẫn vươn lên mạnh mẽ, yêu đời. Cuộc sống ngày càng phát triển. Rồi đây những thế hệ sau sẽ có được một cây cầu to đẹp, cuộc sống sẽ hiện đại văn minh hơn. Rồi đây những con đò sẽ thành dĩ vãng, một dĩ vãng thật buồn nhưng cũng thật đẹp. Đi trên chuyến đò Giao Thủy những ngày này khi sắp có một cuộc chuyển giao lớn, lòng tôi không khỏi bồi hồi. Bỗng thấy yêu biết bao xứ sở mình đã sinh ra và khôn lớn và yêu thêm cả những con đò đã làm nên những tháng ngày êm ả bên sông Mẹ quê hương.

Hà Dung (CAĐN)

twn Are you sure that you want to switch to desktop version?