Đón đầu cơ hội
Đón đầu chủ trương phát triển VLXDKN theo “Kế hoạch tăng cường sử dụng VLXDKN và lộ trình giảm dần việc sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh Quảng Nam” của UBND tỉnh, sau một năm hoạt động, Công ty TNHH MTV TM Tâm Phúc Nguyên đã chính thức xuất xưởng mẻ gạch không nung đầu tiên. Ông Phan Công Mạnh - Giám đốc Chi nhánh công ty - Nhà máy gạch không nung tại Đại Lộc chia sẻ, Tâm Phúc Nguyên là một trong 2 doanh nghiệp chủ động đi tiên phong trong sản xuất gạch không nung. Dù chủ trương phát triển gạch không nung đã có, song không ít doanh nghiệp ngại đầu tư, chuyển đổi công nghệ, dây chuyền sản xuất mới bởi đã xảy ra hàng chục doanh nghiệp trong cả nước lâm vào cảnh khốn đốn do lựa chọn sai công nghệ. Vốn xuất thân từ kỹ sư chế tạo máy, từng có trên 10 năm tìm hiểu, khảo sát công nghệ, bên cạnh sự hậu thuẫn, tư vấn nhiệt tình của bạn bè, của các chuyên gia đầu ngành, năm 2014, ông Phan Công Mạnh đã quyết định đầu tư nhà máy sản xuất gạch không nung tại Đại Lộc và tự tin khi đã lựa chọn công nghệ hợp lý.
Sản phẩm gạch không nung chính thức ra lò. Ảnh: Bích Liên |
Tọa lạc tại cụm công nghiệp thôn 5, Đại Quang (Đại Lộc), nhà máy sản xuất gạch không nung được đầu tư với tổng trị giá 15 tỷ đồng, áp dụng dây chuyền công nghệ ép rung tự động hóa có công suất khá cao (180 triệu viên/năm), giá thành lại rẻ, chỉ bằng 1/2 so với công nghệ ép tĩnh. Để giảm tiếng ồn từ công nghệ ép rung, doanh nghiệp đã chọn đặt nhà máy nằm cách xa khu dân cư, đầu tư hệ thống tường rào giảm âm, thiết bị giảm âm cho công nhân. Dây chuyền sử dụng 6 loại khuôn đúc cho ra 6 loại gạch, gồm 3 loại gạch block, 2 loại gạch thẻ không lỗ và 1 loại gạch viên 6 lỗ. Với công suất 180 triệu viên/năm, nguồn cung không chỉ đáp ứng nhu cầu xây dựng trong tỉnh mà còn cung ứng cho các vùng phụ cận. Hiện, ngoài lao động thời vụ, nhà máy còn có hơn 30 lao động thường xuyên vào làm việc ở nhiều bộ phận với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Đây là nhà máy thứ hai của Công ty TNHH MTV TM Tâm Phúc Nguyên được đầu tư ở Quảng Nam, bên cạnh một nhà máy được đầu tư ở huyện Thăng Bình. Song song với việc sản xuất, công ty cũng đã đăng ký chứng nhận hợp chuẩn hợp quy, chứng nhận ISO, đăng ký bảo hộ thương hiệu với Cục Sở hữu trí tuệ… nhằm tăng tính cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.
Nâng cao năng suất
Nguyên liệu được chọn trong sản xuất là các phụ phẩm gạch nhẹ, bê tông xốp, đất đồi, chất thải công nghiệp, bột đá từ các nhà máy sản xuất đá tràng thạch, đá lỗi của các nhà máy gạch hay chất thải tro bay, xỉ than từ các nhà máy nhiệt điện, mỏ than. Theo ông Phan Công Mạnh, với công suất lớn nên công ty vẫn còn bị động về mặt nguyên liệu. Nguồn nguyên liệu chính cung cấp cho nhà máy hiện được hợp đồng từ tỉnh Bình Thuận, chi phí vận chuyển cao. Trong khi đó, nguồn xỉ than, bụi than, nguồn tro bay từ các nhà máy nhiệt điện, mỏ than tại Nông Sơn lại là nguồn nguyên liệu tiềm năng, song để khai thác thì phải có sự hỗ trợ, tạo điều kiện của ngành chức năng trong việc nghiên cứu, thẩm định, đánh giá mẫu nguyên liệu, khâu vận chuyển, cũng như cần thiết trong việc ban hành cơ chế về nguồn nguyên liệu. Nếu mọi sự thông thoáng, công ty sẽ ký kết bao tiêu sản phẩm, hợp đồng với đơn vị vận tải nguyên liệu để hướng tới sản xuất ổn định, bền vững.
Với chủ trương khuyến khích phát triển VLXDKN của Nhà nước, bước đầu doanh nghiệp Tâm Phúc Nguyên đã được hưởng một số cơ chế hỗ trợ, chính sách khuyến khích về đất đai, về thủ tục, về thuế… Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có khó khăn nhất định như người tiêu dùng quen chuộng sản phẩm gạch nung truyền thống, về nguồn nguyên liệu và nguồn vốn vay để đầu tư, cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm. Với một doanh nghiệp đi tiên phong như Tâm Phúc Nguyên lại càng khó. Hiện, công ty hướng tới việc đầu tư thêm một dây chuyền sản xuất hỗ trợ nhằm cải thiện sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. “Chúng tôi có đủ năng lực quản lý, điều hành sản xuất và có tiềm năng để phát triển hệ thống khắp nơi. Song khó khăn hiện nay vẫn là nguồn vốn. Khi cho ra viên gạch đầu tiên, chúng tôi đã gửi công văn đi nhiều nơi để tìm kiếm nguồn hỗ trợ song việc tiếp cận các dự án lại vô cùng khó. Chúng tôi đã gửi công văn đến Sở KH&CN, Bộ KH&CN mong muốn nhận được hỗ trợ từ Quỹ đổi mới phát triển công nghệ, hy vọng sẽ nhận được sự phản hồi tích cực” - ông Mạnh thông tin.
BÍCH LIÊN