CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:22/11/2024

Ai về vùng đất ba sông…

 

 

Một chiều, từ Hà Tân ngược dòng sông Con về hướng ngã ba sông, nghe mênh mang sông nước. Đò Ba Bến vắng lặng, chỉ còn trong miền nhớ, neo trong ký ức của người già từ khi cây cầu Hà Tân nối liền đôi bờ cách trở.

Ngày nay về Đại Lộc, vẫn còn nghe vọng câu ca: “Ai về chín xã sông Con/Hỏi thăm Tú Đĩnh có còn hay không?”. Cho tới nay, vẫn chưa có chứng cứ cụ thể về xuất xứ của câu ca trên, chỉ biết rằng nó vẫn được người dân quê tôi truyền miệng như một nỗi bâng khuâng, đau đáu. Vậy “chín xã sông Con” là những địa danh nào, tại sao lại đi vào thơ ca và gắn với nhân vật lịch sử Tú Đĩnh? Sách “Đại Lộc - một vùng văn hóa” (NXB Đà Nẵng, 1995) đã dẫn, “chín xã sông Con” ngày xưa chính là các xã: Hà Tân, Hoằng Phước, Trúc Hà, Trung Đạo, Mậu Lâm, Thạnh Đại, Đại Mỹ, Non Tiên và An Điềm, trải dài từ xã Đại Lãnh tới Đại Hưng ngày nay. Còn theo cuốn “Lịch sử đấu tranh cách mạng xã Đại Lãnh 1930-1975” (NXB Đà Nẵng, 2009), 9 xã ngày xưa là 9 thôn kéo dài từ vùng Hà Tân (Đại Lãnh) đi lên An Điềm (Đại Hưng) nay.

Nơi đất ngã ba sông. ảnh: H.L
Nơi đất ngã ba sông. ảnh: H.L

Theo nhiều nhà nghiên cứu, có lẽ câu ca ấy ra đời từ những giai thoại dân gian gắn liền với phong trào Nghĩa hội Quảng Nam thời bấy giờ. Năm 1887, phong trào Nghĩa hội do Nguyễn Duy Hiệu lãnh đạo chống Pháp đã tới hồi cao trào. Nghĩa hội đã lấy động Hà Sống (Đại Đồng nay), vùng giáp với Ba Khe (Đại Lãnh) án ngữ cho 9 xã sông Con phía tây Đại Lộc, tạo một vùng căn cứ vững chắc để tổ chức kháng chiến lâu dài bởi nơi đây địa thế hiểm trở, một bên là núi cao, một bên là sông sâu. Cụ Tú Đĩnh, tức Tán tương Quân vụ Trần Đĩnh khi đó là thành viên của phong trào Nghĩa hội, được hội chủ Nguyễn Duy Hiệu phân công lãnh đạo nghĩa quân cánh bắc (miền tây Đại Lộc và Hiên Giằng). Tương truyền, quân Tán Thừa (Tú Đĩnh) đã đánh Pháp nhiều trận oanh liệt trên cánh đồng Gia Cốc (vùng B Đại Lộc bấy giờ) và Trà Kiệu (phủ Duy Xuyên). Về sau, vì nghe chiêu dụ của vua Đồng Khánh, cụ Trần Đĩnh bị Nghĩa hội Quảng Nam nghi ngờ và thủ tiêu. Tiếc thương ông, dân gian còn có câu: “Tiếng đồn Tú Đĩnh sông Con/ Nghe lời Đồng Khánh lên non mất đầu”…

Người dân vùng tây Đại Lộc còn truyền nhiều giai thoại đậm màu sắc dân gian như thế. Chỉ riêng xứ đất ba sông Đại Lãnh cũng đã có lắm câu chuyện ly kỳ. Dân gian kể rằng, ngày xưa, có một nhà địa cuộc đi qua vùng đất này, nhìn thế đất bèn cao hứng: “Bao giờ Hoằng Phước đứt ngang/ Hà Tân mới đặng làm quan sum vầy”. Rồi chẳng hiểu có phải là do biến động dòng chảy hay là do lời tiên tri linh nghiệm mà một năm nào đó chẳng còn ai nhớ, một cơn lũ lớn đã liếm dải đất liền thuộc thôn Hà Tân (Đại Lãnh) và Hoằng Phước (Đại Hồng), bứt đôi hai thôn làng, hình thành một dải sông ở giữa. Nhánh sông gây chia rẽ giữa hai làng đó được gọi là sông Con. Sông Con xé thôn Hoằng Phước thành 2 thôn Hoằng Phước Nam và Hoằng Phước Bắc thuộc xã Đại Hồng, và cũng xé đôi làng Hà Dục thành 2 thôn riêng biệt là Hà Dục Đông và Hà Dục Tây.

Làng quê ngã ba sông trong dịp kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Thượng Đức.
Làng quê ngã ba sông trong dịp kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Thượng Đức.

Thực hư lời tiên tri ra sao chẳng rõ, hay có thể đó là lời thêu dệt của người xưa nhằm lý giải về những hiện tượng thiên nhiên? Dẫu sao, tình tiết đó cũng gợi mở liên tưởng thú vị về một vùng đất. Còn nếu nhìn vào lịch sử, quả đúng làng Hà Tân là ngôi làng đầu tiên của huyện Đại Lộc có cử nhân, đó là ông Lương Thúc Kỳ, đỗ cử nhân năm 1900, đồng khoa với Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh, Nguyễn Sinh Sắc… Ông được nhà Nguyễn vời ra làm quan, đến chức Hàn lâm viện thị độc học sĩ, sau được truy thăng Quan lộc tự thiếu khanh, hàm tứ phẩm. Dù con đường quan lộ không mấy suôn sẻ, song kiến văn uyên bác, thi phú tài hoa của Lương Thúc Kỳ đã khiến tiếng tăm của ông vang khắp ba kỳ…

Đại Lãnh, là vùng quê nhỏ, thơ mộng được biết đến nhiều có lẽ do đây là vùng tụ hội của sông Cái xuất phát từ Thạnh Mỹ và con sông Con và nơi hợp lưu của 2 con sông chính là đò Ba Bến. Một bến xuất phát từ đuôi làng Hà Tân về Đại Hồng, một bến xuất phát từ làng Hà Tân đi Đại An, tức thôn 12 của xã Đại Lãnh. Một thời, đò Ba Bến thịnh hành với cảnh ghe thuyền ngược xuôi, tấp nập cảnh buôn bán trên bến sông xứ Hà Tân. Một chiều, từ Hà Tân ngược dòng sông Con về hướng ngã ba sông, nghe mênh mang sông nước. Đò Ba Bến vắng lặng, chỉ còn trong miền nhớ, neo trong ký ức của người già từ khi cây cầu Hà Tân nối liền đôi bờ cách trở. Nếu đứng ở vị trí chùa Hà Tân, có thể thu hết miền sông nước lặng lờ, thơ mộng nơi ngã ba sông trong tầm mắt. Sơn thủy hữu tình, nhìn xa xa, cao xanh trùng điệp, kia là núi Hà Tân sừng sững, kia là núi Đại Hồng với những Hòn Nhọn, Hòn Đền, đứng bên này có thể nhìn thấy đỉnh Bằng Am của quần thể di tích Khe Lim (Đại Hồng) gắn với giai thoại Tùng sơn cư sĩ lập am trú ẩn nơi mây ngàn.

Dựa theo địa thế dáng núi hình sông, người quê tôi còn ví đỉnh Hòn Nhọn của núi Đại Lãnh như cây bút, còn Bàu Làng (Hà Tân) chính là nghiên mực, ngụ ý dáng núi hình sông tựa như bút nghiên, tôn vinh sự học. Gọi Đại Lãnh là đất học không ngoa bởi nơi đây đã sản sinh ra những người con ưu tú, làm rạng danh xứ sở như Lương Thúc Kỳ, Quách Xân, Quách Đăng Triều, Quách Tử Hấp. Tộc Quách của xứ “Hà Dục tây châu” là niềm tự hào không chỉ của riêng Đại Lộc mà còn là niềm tự hào của xứ Quảng. Con cháu Quách tộc như Quách Đại Thụ, Quách Thái… là những người đầu tiên đưa những bờ xe nước dẫn nước từ sông suối tưới tắm cho những mùa màng cây trái. Quách Xân, người đầu tiên của huyện đỗ tiểu học Việt - Pháp tại Hội An, nguyên Bí thư Huyện ủy Bến Hiên (cũ) cũng là con người của huyền thoại. Một người con lỗi lạc cũng đã về với đất trời không lâu là Đại tá Quách Tử Hấp. Con người mà tên tuổi gắn liền với những chiến công vang dội. Hay GS-TSKH.  Quách Đăng Triều, từng công tác tại Viện Khoa học - công nghệ Việt Nam, hiện là Phó Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam…

Ngày trước, những ai đi qua vùng ba sông sẽ bắt gặp hình ảnh những bờ xe nước, nguồn chất liệu, cảm hứng dồi dào của thơ ca xứ Quảng. Trên khúc sông vùng Hà Tân, sát ngã ba sông từng có một bờ xe nước rất to, cao cả chục mét, đưa nước về đồng, về sau không rõ cơn lũ lớn nào đã cuốn trôi cỗ máy thủ công khổng lồ ấy. Duy vùng Ba Khe là còn sót lại hai bờ xe nước nhỏ, dẫu sao cũng điểm tô cho một làng quê thơ mộng, êm ềm. Song tiếc thay, những bờ xe nước cuối cùng ấy cũng đã mất bóng trên quê hương Đại Lãnh sau một trận lũ dữ. Một cảm giác bùi ngùi, hụt hẫng ngỡ như thiếu vắng bóng cố nhân.
Những câu ca, chuyện kể một thời đã dệt nên bức tranh đẫm sắc màu huyền thoại cho đất và người. Với những ai đã từng sinh ra và trưởng thành trên vùng đất ngã ba sông, vang âm một thuở câu hát: “Ai về chín xã sông Con…” vẫn vọng về như nỗi niềm quê xứ.

HOÀNG LIÊN

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất