Hôm nay:22/11/2024
Trong nghệ thuật kiến trúc dân gian đình làng là một trong những công trình nghệ thuật kiến trúc truyền thống cổ xưa nhất của người Việt. Dù trải qua bao sóng gió, thăng trầm ngôi đình vẫn còn nguyên giá trị lịch sử, là hiện thân của một nền văn hóa, tín ngưỡng tâm linh mà con người luôn hướng tới cội nguồn dân tộc. Là một trong những ngôi đình được hình thành từ thế kỉ XVI, trải qua bao thăng trầm, biến cố đình làng Aí Nghĩa vẫn còn lưu giữ những nét đẹp văn hóa rất riêng trong đời sống văn hóa tín ngưỡng dân gian.
Ái nghĩa là một trong những vùng đất có lịch sử lâu đời của huyện Đại Lộc. Trước năm 1306, Ái Nghĩa nói riêng vùng đất Đại Lộc nói chung là mảnh đất thuộc vùng châu Ô, Châu Lý mà vua chăm Chế Mân dùng làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân của nhà Trần vào năm 1306. Đến năm 1307 mảnh đất này được sáp nhật vào lãnh thổ của nước Đại Việt với cái tên Thuận Châu và Hóa Châu. Từ thuở khơi nguyên, Đại Lộc thuộc huyện Điện Bàn, trực thuộc phủ Triệu Phong, xứ Hóa Châu. Vậy nên, từ khi trở thành một phần của nước Đại Việt, đất Hóa Châu là phên giậu của tổ quốc và Đại Lộc là nơi đầu sóng ngọn gió, là nơi dừng chân của những đoàn người “ nam tiến” trên con đường khai sơn lập nghiệp. Họ chính là những cư dân đến từ các tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ và vùng Thanh – Nghệ - Tĩnh.
Đến năm 1471 trong cuộc Nam tiến của vua Lê Thánh Tông, thủy tổ của những tộc họ làng Aí Nghĩa mới vào khai hoang, lập xã hiệu Aí Đái. Và Theo tài liêu lịch sử sách “Ô Châu cận lục” của Dương Văn An viết vào năm 1553, làng Ái Đái bấy giờ là một trong 66 làng thuộc huyện Điện Bàn, phủ Triệu Phong xứ thuận Hóa.
Từ những bước chân sơ khai từ thuở mang gươm đi mở cõi, tổ tiên những dòng họ tại làng Aí Nghĩa đối đầu với rất nhiều gian nan, vất vả, hằng ngày đối diện với rừng hoang, nước độc thú dữ gầm thét. Trải qua bao khó nhọc những địa danh như Cồn Thủ, Hóc Trằm, Bàu Đưng, Bàu Cao, Tàu Voi, Gò Đình, đình làng để thờ Thành Hoàng, chùa Phổ Khánh…được ra đời. Đến năm 1558 làng Aí Đái đổi tên thành Aí Nghĩa xã thuộc huyện An Nông, phủ Điện Bàn, dinh Quảng Nam, nhiều tộc họ vào đây cư trú. Đến năm 1785, theo địa bạ Thái Đức bát niên lúc bấy giờ làng Aí Nghĩa có 77 mẫu, 8 sào, 14 thước điền thổ thực canh và 13 tộc họ, đến năm Gia Long 1814 làng có đến 32 tộc họ.
Thuở ban đầu đình làng Aí Nghĩa tọa lạc tại xứ Bàu Mặn thuộc Ấp Nhứt gần chùa Phổ Khánh, nay vẫn còn tên đất hội Hương, sau dời ra Ấp Bắc, rồi tiếp tục dời về Gò Dinh trên đất Ấp Nhì. Đến năm 1969 Đình làng nằm ở vị trí gần bến xe Aí Nghĩa bây giờ. Được biết, Đình làng Aí Nghĩa được thành lập để thờ các đấng thần linh mang phong tục miền Bắc như Thành Hoàng bản cảnh, thờ vọng chư vị “ Hậu tắc” tế ngày 17 tháng 1, thần đất tế ngày 10 tháng 7, thần nông tế ngày 2 tháng 10, … được các đời vua triều Nguyễn từ Minh Mạng đến Khải Định ban cấp 20 sắc đạo và tặng các mỹ tự.
Ngày trước, khi cuộc sống của người dân còn gò bó trong khuôn khổ “ cổng làng, Cây đa, bến nước, sân đình” thì Đình làng Aí Nghĩa là nơi diễn ra các hoạt sinh hoạt của công đồng cư dân, là nơi diễn ra lễ hội, đua vật. Là nơi hứa hẹn tình yêu của nhiều đôi trai gái và đình làng còn là nơi "cân bằng" những phép tắc của cuộc sống cộng đồng. Theo các bô lão làng Aí Nghĩa cho biết trước đây vào ngày giỗ tổ vua Hùng, dân làng thường tổ chức lễ hội rất long trọng. Ngoài phần lễ với các nghi thức trang nghiêm, phần hội thu hút người dân bởi các làn điệu hò khoan đối đáp, hát bài chòi, rước thần sắc,… tạo nên không khí vui tươi thấm đậm bản sắc văn hóa truyền thống và tưởng nhớ cội nguồn dân tộc.
Không những là nơi lưu giữ các sắc phong qua các đời vua, đình làng Aí Nghĩa còn là nơi cụ Hứa Tạo, lý trưởng làng Ái Nghĩa đã cùng với các lý trưởng làng lân cận của tổng Đức Hạ, huyện Đại Lộc chọn làm nơi hội họp, bàn công việc vận động nhân dân chống siêu cao thuế nặng năm 1908 làm chấn động 6 tỉnh trung kì, buộc chính quyền thực dân phải nhượng bộ những khoản thuế vô lí.
Và trong cuộc kháng chiến giành chính quyền trước cách mạng tháng 8/1945 các cụ quê ở Ấp Nhì (Ái Nghĩa) là lãnh đạo chủ chốt của huyện Đại Lộc như: Nguyễn Đức Thiệu, Nguyễn Soạn. Trương Nhi, Hứa Toản,… đã nhiều lần dùng đình làng Ái Nghĩa làm nơi hội họp để lãnh đạo phong trào cách mạng huyện Đại Lộc. Điều đó cho thấy đình làng Aí Nghĩa giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong lịch sử truyền thống đấu tranh của người dân xứ Đại, là nơi lưu giữ nét văn hóa kiến trúc truyền thống của dân tộc qua nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc hình rồng phượng trên các mái đình, cột đình.
Có thể nói, đình làng Aí Nghĩa là một trong những công trình nghệ thuật kiến trúc truyền thống được hình thành vào thế kỉ XVI trên địa bàn Đại Lộc. Dù trải qua bao sóng gió, thăng trầm nhưng đình làng Aí Nghĩa vẫn giữ được giá trị lịch sử, là hiện thân của một nền văn hóa, tín ngưỡng tâm linh mà con người luôn hướng tới cội nguồn dân tộc.
Bích Liễu