Hôm nay:22/11/2024
Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” nên từ xa xưa tục thờ cúng ông bà, tổ tiên đã ăn sâu vào trong tiềm thức của mỗi con người ngay từ lúc còn bé qua câu ca dao.
Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn,
Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu.
Người ta nguồn gốc từ đâu?
Có cha có mẹ rồi sau có mình.
Vậy nên, trải qua bao thế hệ, bao thăng trầm của cuộc sống. Cũng như nhiều địa phương khác trên đất nước Việt Nam, người dân Đại Lộc quê tôi luôn lưu giữ và phát huy truyền thống đó.
Vốn là mảnh đất thuộc vùng châu Ô, Châu Lý mà vua chăm Chế Mân dùng làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân của nhà Trần vào năm 1306. Đến năm 1307 mảnh đất này được sáp nhật vào lãnh thổ của nước Đại Việt với cái tên Thuận Châu và Hóa Châu. Từ thuở khơi nguyên, Đại Lộc thuộc huyện Điện Bàn, trực thuộc phủ Triệu Phong, xứ Hóa Châu. Vậy nên, từ khi trở thành một phần của nước Đại Việt, đất Hóa Châu là phên giậu của tổ quốc và Đại Lộc là nơi đầu sóng ngọn gió, là nơi dừng chân của những đoàn người “ nam tiến” trên con đường khai sơn lập nghiệp. Họ chính là những cư dân đến từ các tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ và vùng Thanh – Nghệ - Tĩnh.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng những lưu dân Việt đầu tiên đến vùng đất Đại Lộc là những binh lính trấn ải biên thùy còn một số khác thì bị tội lưu đày. Nhưng cũng có giả thiết nói rằng họ chính là những người đã tháp tùng, phục dịch cho lễ cưới công chúa Huyền Trân và thấy vùng đất này tươi tốt nên ở lại lập nghiệp.
Tuy nhiên, dù họ là ai, nguồn gốc như thế nào nhưng có thể khẳng định một điều, tổ tiên của những dòng họ trên mảnh đất Đại Lộc chúng ta vẫn là những người đầy bản lĩnh, dám chấp nhận đương đầu với những khó khăn, hiểm nguy rình rập từ vùng đất mới với những cánh rừng hoang nước độc, thú dữ gầm thét.
Định hình tại vùng đất này không bao lâu thì mối bang giao Chăm – Việt bị đổ vỡ sau cái chết của vua Chế Mân, nước Đại Việt phải đối phó với những trận tấn công của quân Chăm nhằm dành lại đất. Tất nhiên trong hoàn cảnh bấy giờ người dân vùng Đại Lộc nói riêng, người dân vùng Hóa Châu bao gồm các huyện Điện Bàn, Thăng Hoa… nói chung phải tổ chức chiến đấu để tự bảo vệ mình và biên cương của tổ quốc. Trong hoàn cảnh khó khăn đó đã đào luyện cho mỗi người dân trở thành một chiến sĩ trên mặt trận biên cương.
Trải qua bao dâu bể, bao cuộc đấu tranh trường tồn giành lại sự sống, hòa bình và độc lập, các cư dân Đại Lộc vẫn kiên cường, gan dạ, luôn mang trong mình niềm đau đáu về quê cha đất tổ, bởi họ đều là những lưu dân từng “mang gươm đi mở cõi”. Nơi vùng đất họ đến những điệu hát ví dặm thương nhau, những nghề thủ công truyền thống, tục nhuộm răng ăn trầu, tục thờ Thành hoàng làng, thờ ông bà tổ tiên…vẫn được mang theo và giữ gìn với nỗi niềm hoài vọng cố hương
Xuất phát từ nguyên nhân đó nên việc thờ cúng ông bà, tổ tiên của các dòng họ tại Đại Lộc rất được coi trọng. Hầu như dòng họ nào cũng có từ đường gia tộc để mỗi khi có dịp lễ, chạp con cháu từ khắp nơi tụ họp về. Việc ghi chép, lưu giữ gia phả, xuất xứ của các bậc tiền nhân, tiền hiền có công khai hoang lập nghiệp được đặc biệt quan tâm. Các nghi thức cúng, tế , quỳ, bái, lạy…được quy định khá nghiêm ngặt ở người tộc trưởng. Vậy nên, gánh vác trách nhiệm thờ cúng thì nhánh trưởng trách nhiệm nặng hơn nhánh thứ, chi trưởng trách nhiệm hơn chi thứ. Ngoài ra, các gia đinh tại Đại Lộc rất coi trọng việc bố trí bàn thờ tổ tiên, theo quy định thường thì bàn thờ ông bà được đặt ở vị trí sang trọng, trang nghiêm ở gian chính giữa của nhà trên. Đặc biệt, những vị thần được thờ tại gia như thần tài, thổ địa, ông Táo, thần ngõ….thì hầu như không có vị nào được thờ ngang hàng với ông bà, tổ tiên mà chỉ được thờ ở góc nhà, ngoài sân hoặc cấp thấp hơn. Mặc khác, việc bài trí bàn thờ gia tiên tại mỗi gia đình thường không giống nhau, phụ thuộc vào yếu tố tâm linh và cả điều kinh kinh tế. Nhưng nhìn chung bàn thờ nào cũng có bài vị, bát hương, đĩa đèn, bình hoa, chén rượu, hoa và mâm ngũ quả…Các gia đình bình dân thì đồ thờ thường được làm bằng sứ hoặc gỗ còn những gia đình khá giả có thì đồ thợ tự có thể bằng đồng.
Việc thờ cúng tổ tiên của các gia đình tại Đại Lộc thường được tiến hành quanh năm bởi người dân quan niệm “ mặc dù ông bà đã khuất nhưng linh hồn họ vẫn luôn ở cạnh con cháu”, vậy nên không chỉ cúng lễ trong các dịp quan trọng như tang ma, giỗ chạp, cưới xin hay tết nguyên đán, thanh minh, đoan ngo, ngày sóc, ngày vọng mà các vị tổ tiên còn được con cháu kính mời về dự, hưởng thụ hoa trái các vụ đầu mùa, lễ tạ tổ tiên khi có tài lộc…. Như vậy có thể nói, bản chất của việc thờ cúng tổ tiên xuất phát từ niềm tin người sống cũng như người chết đều có sự liên hệ mật thiết và hỗ trợ nhau. Con cháu thì khấn cáo, hương khói ông bà. Ông bà thì che chở, dẫn dắt, phù hộ cho con cháu đây là sợi dây gắn kết mối giao lưu giữa người cõi dương và cõi âm. Vậy nên, chúng ta thấy rằng hầu như cuối năm gia đình nào cũng tổ chức rước ông bà về dự và trong những ngày tết dù bận bịu đến đâu gia đình nào cũng lo sửa soạn một mâm cơm cúng ông bà.
Có thể nói, thờ cúng tổ tiên là một loại hình tín ngưỡng dân gian thể hiện lòng thành kính, biết ơn, tưởng nhớ tổ tiên, ông bà đồng thời cũng là sự thể hiện niềm tin vào sự che chở của tổ tiên, ông bà đối với con cháu. Vậy nên, từ lâu tín ngưỡng này có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống văn hóa được người dân Đại Lộc phát huy và giữ gìn, là một trong các thành tố tạo nên bản sắc văn hóa của người Việt Nam.
Bích Liễu