CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:22/11/2024

Du xuân qua các hội làng !

Đầu xuân, không khí tại nhiều vùng quê Đại Lộc trở nên náo nhiệt, sinh động bởi lễ hội. Mỗi lễ hội đều mang một nét văn hóa, tập tục tín ngưỡng rất riêng, đậm tính chất vùng miền. Và trong các lễ hội đó, không thể không nhắc đến lễ kỉ niệm ngày phong sắc Đức Bà Phường Chào, một vị nữ thần nhiều công đức từ lâu đã ăn sâu vào trong tâm thức người dân.

Hễ cứ đến mùng 10 tháng giêng cứ như “ Đến hẹn lại lên” người dân từ khắp nơi trên địa bàn huyện Đại Lộc và cả những người con xa quê lại kéo về doi đất tại Gò Mùn, thôn Hoán Mỹ, Thị trấn Ái Nghĩa để tưng bừng kỉ niệm ngày phong sắc Đức Bà Phường Chào. Hình ảnh các cụ, các mẹ tay xách giỏ quà, tay cầm vài nhánh hoa để vào dinh viếng bà khiến cho bức tranh đời sống tâm linh thêm phần nổi nét.

Được biết, theo thần phả do đồng đệ tam giáp tiến sĩ, khoa Nhâm Thìn, với chức Gia Nghị đại phu tên Học biên soạn năm Khải Định thứ 4 (1919), Đức bà Phường Chào tên thật là Nguyễn Thị Của, sinh ngày 25-2 năm Cảnh Thịnh bát niên (1800) tại làng Phường Chào ( xưa thuộc châu Phiếm Ái), nay thuộc thôn 10, xã Đại Cường huyện Đại Lộc. Thân phụ của bà làm quan triều Lê, tên là Nguyễn Trí và thân mẫu họ Trịnh, húy là Tình và nhũ mẫu là Đoàn Thị Vệ.

Tương truyền, lúc thân mẫu bà trở dạ, ngoài trời một cơn gió quay cuồng, cát bụi mù mịt, mây trắng bồng bềnh che phủ một vùng... Bà là tiên giáng thế nên toàn thân không có xương, làn da trắng như tuyết, thơm như hoa; đi đứng khác thường (chỉ dùng hai ngón chân cái); tiếng nói trong trẻo. Bà thích mặc vải lụa điều, ưa vỗ về, nô giỡn, ca múa với trẻ em, thích hát bội và thích đua ghe. Lớn lên, bà hành nghề bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Hạ tại trần gian được 17 năm, ngày 19-11 năm Gia Long thứ 16 (1817), Bà hiển linh tại đất Phường Chào, lăng mộ tọa lạc tại thôn Ô Gia Cốc, Đại Cường.

Nhiều sử sách ghi lại rằng, sau khi an táng bà, có một con trâu húc vào mộ Bà, liền ngã lăn ra chết. Thấy vậy, ông chủ bái của làng bảo: “Trâu chết là việc tình cờ, chứ cô gái ấy có gì mà linh thiêng”. Vừa nói xong, đầu ông bỗng đau như búa bổ, vài ngày sau đột tử!. Người dân trong làng rất  sợ oai linh của bà. Nhiều sử sách còn ghi lại rằng sau khi tạ thế, hồn bà Phường Chào chu du khắp bốn phương và hiển linh tại vùng Phước Ấm, xây chợ, lập làng. Nay là chợ Được, xã Bình Triều huyện Thăng Bình. Vậy nên cứ đến ngày 11 tháng giêng, nhân dân vùng này tổ chức lễ rước cộ bà Chợ Được và đua thuyền tri ân công đức vị thần nữ này.

Trải qua bao dâu bể, lở - bồi,  sông Vu Gia bỗng biến đổi dòng chảy khiến lăng mộ của bà đứng trước nguy cơ bị xâm thực. Năm Thành Thái thứ 10 (1898), Tổng đốc Quảng Nam cho cải táng mộ bà về làng Phước Yên, nay thuộc Gò Muồng (TT Ái Nghĩa). Từ khi được dời về đây lăng mộ bà đươc người dân chăm sóc, tôn tạo và gìn giữ cẩn thận. Hằng năm, dân làng Hoán Mỹ thường tổ chức các ngày lễ tưởng nhớ bà như ngày 19/11 là ngày kỵ cơm bà, mùng 10 tháng Giêng là ngày phong sắc Đức Bà và  ngày 25/2 là ngày sinh của bà.

Lễ tưởng nhớ ngày phong sắc Đức Bà được thực hiện với 5 phần  đó là nghi lễ cúng đất, nghi thức hát lễ, lễ cúng Đức Bà, lễ dâng hương và cuối cùng là phần biểu diễn hát tuồng. Lễ vật dâng bà gồm các thứ hương đăng, trà quả, cơm chay. Ngoài phần lễ với không khí trang nghiêm, phần hội diễn ra hết sức sôi nổi bởi tương truyền Đức Bà  rất thích hát tuồng nên vào những ngày tưởng nhớ bà ban thọ tự lại mời gánh hát tuồng về biểu diễn. Ông Mai Tâm (85 tuổi, thôn Hoán Mỹ), người chuyên lo việc trong ban trị sự chia sẻ: “Dù có đi đâu về đâu, hễ cứ đến mồng 10 tháng tháng giêng là nhân dân, con cháu khắp nơi tụ hội về đây viếng hương bà, xin lộc, nguyện cầu một năm mới an vui, tốt  lành”. 

Đức Bà Phường Chào được triều đình nhà Nguyễn phong sắc hai lần. Lần thứ nhất vào ngày 20-9 năm Thành Thái thứ 6 (1894), triều đình sắc phong thần cho Bà với mỹ hiệu: “Trai thục Dực bảo Trung hưng trung đẳng thần nữ Nguyễn thị linh ứng tôn thần”. Và cũng trong năm này, Tây cung Từ Dũ đã ân ban hai đồng tiền: một đồng hiệu Tam Thọ được thờ ở Dinh Bà Chợ Được; một đồng hiệu Tứ Mỹ thờ ở Miếu Phiếm Ái châu. Đến năm Khải Định thứ 4 (1919), triều đình ban sắc lần thứ 2  phong tặng bà với mỹ hiệu “Trang huy Dực bảo Trung hưng thượng đẳng thần”. Bởi tương truyền, sau khi tạ thế, hồn bà Phường Chào chu du khắp bốn phương và hiển linh tại vùng Phước Ấm, xây chợ, lập làng. Vậy nên cứ đến ngày 11 tháng giêng, nhân dân vùng Thăng Bình cũng tổ chức long trọng lễ rước cộ và đua thuyền nhằm tri ân công đức bà.

Ông Lương Đức Ngơm, trưởng ban thọ tự, chánh bái của làng Hoán Mỹ cho biết: “Quê xứ của Đức Bà thuộc xã Đại Cường, quê ngoại thuộc vùng Bình Triều, Thăng Bình nên mỗi dịp lễ kỷ niệm sắc phong, chúng tôi đều mời đại diện các vùng trên tới dự. Lễ kỷ niệm sắc phong hằng năm thu hút đông đảo dân làng và hàng trăm du khách thập phương về tụ hội. Sau phần nghi lễ, người dân thường cầu xin bà ban lộc với ước nguyện một năm an vui, tốt lành.

Có thể nói, từ lâu, lễ hội truyền thống là loại hình sinh hoạt văn hoá tinh thần của người dân được hình thành trong quá trình phát triển của lịch sử, gắn với truyền thống, đạo lí “Uống nước nhớ nguồn” nhằm tôn vinh những vị “Thần” - những người có thật trong lịch sử dân tộc hay huyền thoại. Vậy nên, lễ hội tưởng nhớ Đức Bà Phường Chào là dịp để người dân tỏ lòng tri ân công đức của  bà trong việc khai phá vùng đất mới, tạo dựng nghề nghiệp, chữa bệnh cứu người. Đây là nét đẹp văn hóa cần được các thế hệ người Việt phát huy và giữ gìn.

Bích Liễu - Nhật Duy

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất