CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:22/11/2024

Về "làng bác Lê Khả Phiêu"

Mười sáu năm kể từ ngày làng cũ Phương Trung (Đại Lộc) bị cơn đại hồng thủy cuốn trôi phân nửa cũng là ngần ấy năm người Phương Trung gọi tên làng theo ân nhân của mình: làng bác Lê Khả Phiêu.

1. Tới tận bây giờ, ký ức về trận lũ kinh hoàng vẫn còn ám ảnh những người dân Phương Trung, ngôi làng từng đứng trên bờ vực “xóa sổ” bởi cơn lũ dữ hoành hành khúc ruột miền Trung năm 1999. Làng cũ ngày ấy nằm sát sông Vu Gia, khi cơn lũ càn quét qua, hơn 1/3 nhà cửa, 2/3 tài sản có giá trị, 20 héc ta đất sản xuất bị cuốn trôi, bồi lấp, 2 người bị chết và nhiều người bị thương… khiến ngôi làng chìm đắm trong không khí tang thương. Hàng trăm hộ dân Phương Trung tưởng khó có thể gượng dậy nổi, song trước sự vào cuộc lớn của các cấp chính quyền, sự sẻ chia lớn lao của đồng bào mọi miền, dân làng đã gượng dậy từ đau thương, cùng nhau khắc phục hậu quả sau lũ, tổ chức lại đời sống từ đôi bàn tay trắng.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu về thăm làng Phương Trung vào cuối 3.2016.  Ảnh: HOÀNG LIÊN
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu về thăm làng Phương Trung vào cuối 3.2016. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Lúc bấy giờ, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu đã trực tiếp về thăm hỏi, động viên nhân dân Phương Trung vượt qua khó khăn để xây dựng lại đời sống mới. Chuyến viếng thăm của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu như tiếp thêm sức mạnh cho hàng trăm hộ dân lâm cảnh “màn trời chiếu đất”. Và 16 năm trôi qua, dân làng không thể quên được hình ảnh một vị lãnh tụ tối cao của Đảng từ chiếc bo bo cập sát làng, xắn quần lội bùn cả hàng cây số vào nhiều nhà dân đổ sụp, thiệt hại nặng nề trong cơn đại hồng thủy, kịp thời thăm hỏi, động viên tinh thần bà con. Ông Nguyễn Văn Mười, một người dân trong làng xúc động: “Tôi vẫn nhớ như in cái ngày bác Phiêu về làng năm ấy. Do nước còn bao vây, cô lập một số vị trí nên đường bộ chưa được thông, bác Phiêu phải tiếp cận làng bằng đường thủy. Bác vào đến nhà tôi đầu tiên, khi ấy đã sụp gần hết. Cả đời một nông dân nghèo như tôi được gặp vị lãnh tụ tối cao của Đảng là niềm hạnh phúc lớn. Những lời thăm hỏi, động viên của bác Phiêu đã tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi có được ngày nay”.

Mười sáu năm trước, không chỉ gia đình ông Mười mà hơn 100 hộ gia đình trong làng đã được bố trí đất đai, được hỗ trợ xây dựng lại nhà ở mới tại vùng Gò Cấm, thôn Phú Hương, xã Đại Quang nay. Ông Trần Văn Sơn - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Phương Trung bộc bạch: Bác Phiêu là ân nhân của làng. Dù bận trăm công nghìn việc ở cương vị Tổng Bí thư ngày ấy, nay tuổi cao sức yếu nhưng bác Phiêu vẫn thường về thăm làng, có năm không về được, bác cũng gửi thư chúc tết, động viên bà con tích cực làm ăn, cải thiện kinh tế, xây dựng Phương Trung ngày càng giàu đẹp. “Người làng Phương Trung đón tiếp bác Phiêu về thăm không chỉ với cương vị của một người từng giữ trọng trách cao nhất của Đảng mà còn với tấm lòng biết ơn trước một vị ân nhân của làng. Cơn đại hồng thủy đã lùi xa vào dĩ vãng nhưng kỷ niệm, tình cảm của dân làng dành cho bác Phiêu thì còn mãi với thời gian” - ông Sơn xúc động.

Ngày ấy, cùng với làng Hòa Duân, nay là làng Rồng (tỉnh Thừa Thiên Huế), làng Phương Trung được cả nước biết tới là một ngôi làng tái sinh, kể từ sau chuyến thị sát của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu năm 1999. Lịch sử nhắc tới công lao của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đối với hai ngôi làng lịch sử trên. Sau khi thị sát hai ngôi làng miền Trung bị thiệt hại nặng nề nhất sau cơn đại hồng thủy, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Khả Phiêu đã chia sẻ với Bộ Quốc phòng: “Tết sắp đến rồi, dân phải có nhà. Có thể làm một cái bia tưởng niệm ở chỗ đã xảy ra mất người, mất của. Việc này giao cho quân đội là được hơn cả”. Và tâm tình của Tổng Bí thư là mệnh lệnh: Quân khu 4 đảm trách tái lập làng Rồng, Quân khu 5 lo tái lập làng mới Phương Trung ngay.

“Dù tuổi cao, sức khỏe không được tốt như trước song tôi vẫn cố gắng về xem đời sống bà con như thế nào. Được biết đời sống nhân dân có khá lên, có những người thu nhập bình quân 4,6 triệu đồng/tháng, tổng thu nhập bình quân 50 triệu đồng/năm/người, đó là điều rất đáng mừng. Nhưng đó cũng chỉ là ta nói với ta, chứ nói với những khu vực lân cận thì ta còn yếu lắm. Tôi mong mỏi làm sao đó để cuộc sống bà con tốt lên, mong là các cấp chính quyền huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam tiếp tục quan tâm, hỗ trợ bà con nơi đây. Bản thân người dân Phương Trung cố gắng phát triển sản xuất để không còn tỷ lệ hộ nghèo, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương” .
(Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu)

2. Ngày nay, về Phương Trung, ai cũng dễ dàng nhìn thấy sự đổi thay nơi đất nghèo. Từ đôi bàn tay trắng, nhân dân Phương Trung đã vượt bao gian khó xây dựng nhà cửa khang trang, sạch đẹp; đình làng, cổng ngõ, bia tưởng niệm, đường thôn được bê tông khang trang. Làng hiện có 263 hộ dân, 1.011 nhân khẩu, trong đó có 807 người trong độ tuổi lao động, hơn 300 người tham gia sản xuất tại Cụm công nghiệp Đại Quang và các vùng phụ cận. Từ sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền, nhân dân làng mới Phương Trung đã hòa nhập tại nơi ở mới, nhiều hộ đã trở lại làng cũ tăng gia sản xuất, cải thiện sinh kế, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ từ Nhà nước. Với diện tích đất nông nghiệp gần 45ha, nhân dân đã phát triển cây lúa, cây màu cho năng suất cao. Nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Nơi làng cũ, bà con đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả các loại như chuối, bưởi da xanh, chôm chôm, đu đủ, mít ruột đỏ…; phát triển chăn nuôi bò lai sind với đàn bò lên tới 150 con, nuôi gà gia trại có quy mô hàng ngàn con. Đời sống kinh tế được cải thiện, con em địa phương được ăn học tới nơi tới chốn, mỗi năm làng có 3 - 5 em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và nhiều em trong số đó có việc làm ổn định, góp sức xây dựng quê hương. Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Tám - Phó Bí thư Đảng ủy xã Đại Quang cho hay, bộ mặt nông thôn làng Phương Trung đã có sự chuyển biến rõ nét. Hầu hết các hộ đều có nhà cửa khang trang, vững chắc, có đầy đủ phương tiện nghe nhìn. Tỷ lệ hộ nghèo toàn thôn cuối năm 2015 còn 0,3%, đó là một nỗ lực rất lớn của chính quyền và nhân dân nơi đây. “Thời gian tới, chúng tôi hứa sẽ tiếp tục đồng hành với bà con trong việc tập trung các nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng đầu tư sản xuất theo hướng hàng hóa, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, con vật nuôi, xây dựng Phương Trung ngày càng khởi sắc” - ông Tám nói.

Chuyến về thăm Phương Trung cuối tháng 3 vừa qua, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Khả Phiêu đã bày tỏ niềm vui mừng trước sự đổi thay nơi vùng đất nghèo khó. “Dù tuổi cao, sức khỏe không được tốt như trước song tôi vẫn cố gắng về xem đời sống bà con như thế nào. Được biết đời sống nhân dân có khá lên, có những người thu nhập bình quân 4,6 triệu đồng/tháng, tổng thu nhập bình quân 50 triệu đồng/năm/người, đó là điều rất đáng mừng. Nhưng đó cũng chỉ là ta nói với ta, chứ nói với những khu vực lân cận thì ta còn yếu lắm. Tôi mong mỏi làm sao đó để cuộc sống bà con tốt lên, mong là các cấp chính quyền huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam tiếp tục quan tâm, hỗ trợ bà con nơi đây. Bản thân người dân Phương Trung cố gắng phát triển sản xuất để không còn tỷ lệ hộ nghèo, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương” - nguyên Tổng Bí thư nói. Với người dân Phương Trung, những lời nhắc nhở, động viên giản dị, mộc mạc ấy đã truyền lửa đến hàng trăm trái tim, nhắc nhở họ không ngừng vươn lên trong đời sống, để ngày mới lại về trên đất nghèo Phương Trung.

BÍCH LIÊN (Báo Quảng Nam)

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất