Hôm nay:22/11/2024
Đến viếng Đền tưởng niệm Trường An (Đại Nghĩa, Đại Lộc), có lẽ nhiều người chưa biết rằng, nơi đây từng gắn với những chiến công vang dội của quân dân đất Quảng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với tên gọi Núi Lở.
Đền tưởng niệm Trường An tọa lạc trên khu vực cứ điểm Núi Lở trước kia. |
Núi Lở (đồi 65) cách thị trấn Ái Nghĩa chừng 4 cây số về phía tây. Phía nam giáp quốc lộ 14B cũ (nay là đường ĐT 609) chạy song song với dòng sông Vu Gia. Sát hướng bắc là dãy núi Sơn Gà có đỉnh cao 210m, dãy Đông Lâm có đỉnh cao đến 1.100m. Hai dãy núi hiểm trở này liền nhau, tạo nên bờ thành vòng cung bao bọc, che chắn Núi Lở về phía bắc và tây bắc.
Cứ điểm Núi Lở được quân Pháp xây dựng ngay sau khi chúng tiến công lên Đại Lộc (tháng 3.1947) để cùng với hai cứ điểm khác là Gò Đình (Ái Nghĩa) và Hòn Đùi (Đại An) hình thành một tam giác khống chế những địa bàn xung yếu, án ngữ các hành lang huyết mạch của ta từ đồng bằng lên căn cứ kháng chiến phía tây huyện Đại Lộc và Quảng Nam. Cứ điểm Núi Lở lợi hại do có tầm nhìn bao quát. Chỉ cần sử dụng một vài phương tiện quan sát thông thường sẽ nhìn rõ mồn một, ra xa tận mặt biển và thấy cả Hội An, Điện Bàn, một phần Duy Xuyên, Đại Lộc, thấu tận Bến Dầu, Mỹ Sơn và sân bay Đồng Dương. Có thể nói Núi Lở là căn cứ đầy uy lực, phát huy cao độ sức mạnh, kịp thời đối phó với mọi động thái cả trong phòng thủ lẫn tiến công. Cứ điểm được cấu trúc ba tháp canh thành hình tam giác. Mỗi tháp canh được trang bị một súng máy, còn lại là tiểu liên, lựu đạn và phần lớn là súng trường. Ở giữa là một “lô cốt mẹ”- trung tâm chỉ huy của cả khu vực, có ba sĩ quan Pháp mang hàm từ trung úy đến đại úy chỉ huy. Cạnh đó là công sự trực chiến của trung đội pháo binh 81 và 60 ly. Bao bọc chung quanh căn cứ là bờ thành bằng đất nện, cao 1m6. Ngoài thành cắm hàng rào lông nhím bằng chông tre già, nhọn hoắt, chĩa ra ngoài, có cả mìn, cạm bẫy, chó béc giê và cả những hàng lon đồ hộp lủng lẳng, hễ động tới là phát ra tiếng kêu loảng xoảng.
Trong chiến dịch Hè Thu 1949 mang tên Phạm Văn Đồng với hướng trọng điểm là bắc Quảng Nam, nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Núi Lở để hạ uy thế địch, cổ vũ phong trào kháng chiến của ta được giao cho Đại đội độc lập 9 của tỉnh (lúc này đóng quân ở Đại Lãnh). Đại tá Trần Thanh Cảng kể lại: Công tác chuẩn bị cho trận đánh hết sức bài bản, công phu. Từ tiểu đội trưởng trở lên ai cũng phải đi trinh sát, phải “tai nghe, mắt thấy, tay sờ” thì mới được hướng dẫn chiến sĩ. Ta còn đắp sa bàn để luyện tập suốt mười ngày ở một ngọn đồi ven xóm núi xã Đại Hồng. Một đêm trăng bàng bạc, tại sân vận động Lục Nam (xã Đại Hồng), sau khi tiến hành lễ tuyên thệ, Đại đội 9 hành quân đến phía đông chân đồn Núi Lở. Trên ngực mỗi chiến sĩ đều gắn tấm vải đuôi nheo màu đỏ mang ba chữ “Cảm tử quân”. Điều đáng chú ý là trong đội ngũ ta có cả chiến sĩ quốc tế tên là Frans De Boel (Phan Lăng), người Bỉ, là lính lê dương Pháp giác ngộ về với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam.
Khi nội ứng của ta phát tín hiệu “an toàn” và làm dấu hiệu chỉ dẫn hướng tiến công, một trung đội nhanh chóng tiến lên phía trước, dựng giá thiếc vào tháp canh số 1 và nhảy vào bên trong. Quân ta áp đảo dữ dội. Ta tiếp tục chuyển hướng tiến công, đánh chiếm được bên trong lô cốt số 2, thu chiến lợi phẩm và rút lui an toàn. Trận đánh này ta tiêu diệt được 23 tên địch, thu 8 súng trường, 1 Shus. Đây là trận công đồn đầu tiên và cũng là trận đánh có cơ sở nội ứng đầu tiên trên chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng giành thắng lợi. Đại đội 9 được Liên khu 5 biểu dương, trung đội trưởng Nguyễn Đức Trúng được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhì. Chiến thắng Núi Lở năm 1949 đã đi vào lịch sử đất Quảng với câu ca còn mãi lưu truyền: Cầu Chìm nổi tiếng đánh Tây/ Núi Lở anh dũng phơi thây quân thù.
Khi đế quốc Mỹ đổ quân viễn chinh vào miền Nam để thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, Núi Lở tiếp tục được quân xâm lược chọn làm nơi đóng quân của Trung đoàn 137. Tại đây có bãi pháo lớn (2 chi đội pháo binh), 1 sân bay lên thẳng, 1 bệnh viện dã chiến và 2.500 tên Mỹ. Núi Lở làm nhiệm vụ “lá chắn” bảo vệ cứ điểm chi khu Thượng Đức, chi khu quận lỵ Đại Lộc và bảo vệ từ xa Đà Nẵng - căn cứ quân sự khổng lồ hải lục không quân lớn thứ hai ở miền Nam. Mặt khác, Núi Lở còn là cứ điểm lợi hại để quân Mỹ làm bàn đạp đánh phá phong trào hai vùng A, B Đại Lộc và vùng tây Duy Xuyên. Trước âm mưu của địch, Ban Thường vụ Huyện ủy Đại Lộc chỉ đạo thường xuyên tổ chức tấn công vào Núi Lở - ngay nơi xuất phát hành quân của địch, giữ vững vùng giải phóng. Chiến công nổi bật nhất là trận đánh năm 1971, khi Đội trinh sát vũ trang an ninh huyện Đại Lộc được giao nhiệm vụ tiến công cứ điểm Núi Lở. Đơn vị lúc này chỉ có 11 đồng chí nhưng phải đảm nhận tấn công một mục tiêu khá phức tạp về địa hình, chiến đấu với một lực lượng địch đông hơn nhiều lần. Công tác chuẩn bị, trinh sát địa hình, nắm cách bố phòng của địch được ta tiến hành khẩn trương, chu đáo. Mở đầu trận đánh, một phát đạn B40 bắn vào diệt ngay bọn Mỹ ở mục tiêu thứ nhất, 3 chiến sĩ xông lên đánh chiếm ngay 3 ngôi nhà lớn trước mặt, các chiến sĩ còn lại thọc sâu vào bên trong đánh sụp 4 ngôi nhà phía đông. Qua 6 phút chiến đấu, phần lớn quân địch bị tê liệt, ta làm chủ trận địa và nhanh chóng rút lui an toàn. Trận này ta diệt 82 tên địch, phá âm mưu bình định của chúng. Chiến công này đã góp phần vào thành tích chung của Đội trinh sát vũ trang an ninh huyện Đại Lộc, đơn vị được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 6.11.1976. Chiến thắng Núi Lở năm 1971 cùng các chiến thắng vang dội sau đó đã góp phần kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Đại Lộc vào ngày 28.3.1975.
Chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm. Cứ điểm lợi hại của kẻ thù năm xưa giờ chỉ còn lại vết tích một phần lô cốt của Pháp và một vài đoạn đường băng sân bay dã chiến của Mỹ. Hơn hai mươi năm qua, Núi Lở là nơi tọa lạc sừng sững và uy nghiêm một ngôi đền tưởng niệm các bậc tiền bối hữu công và anh hùng liệt sĩ - Đền Trường An.
VÂN TRÌNH (Báo Quảng Nam)