Hôm nay:24/11/2024
Bàu Tròn là một ngôi làng nhỏ của xã Đại An, huyện Đại Lộc, khiêm tốn nép mình bên dòng Vu Gia. Ngôi làng nhỏ, diện tích chỉ khoảng 50 héc ta, nhưng giờ đây, chỉ cần gõ tên làng, sau hơn nửa phút, google đã cho hơn 200 nghìn kết quả!
Quang cảnh khánh thành đình làng Bàu Tròn. Ảnh: P.N |
Bàu Tròn trước kia có tên Phú Bò, xứ Nhũ Bộ. Về tên Phú Bò, các bậc cao niên cũng không rõ, chẳng biết có phải do trước đây xứ này nuôi nhiều bò hay không mà ra tên như vậy. Rồi sau đó làng đổi thành thôn - “Thôn 2”. Bây giờ “Nhũ Bộ xứ” chỉ còn lưu giữ trong các bài văn khấn của người làng; còn Bàu Tròn là tên gọi của đơn vị hành chính cấp thôn, được dùng thường xuyên, và cũng đã nổi tiếng lắm rồi.
1. Hồi lớp 10, rời trường làng ra thị trấn học, tôi từng ngại ngùng không dám nhắc tới tên làng khi bạn bè “hỏi rằng quê quán nơi đâu”, vì sợ bị chê là nhà quê, mặc dù mình sinh ra từ làng, là dân “nhà quê” chính hiệu, lớn lên nhờ hạt lúa, củ khoai, nhờ “Con tằm Đại Lộc xe tơ/ Bãi dâu Đại Lộc lờ mờ bên sông”, nhờ giọt mồ hôi “thánh thót như mưa ruộng cày” của cha mẹ. Làng tôi thuở ấy không quang đãng như bây giờ. Ngoài bãi bắp ruộng dâu, làng rợp bóng tre xanh. Cứ như tre là “đặc sản” của Bàu Tròn vậy. Cũng đúng, bởi “lũy tre xanh rì rào” là hồn quê, là hình ảnh thân thương với mọi người dân nước Việt. Có lẽ nhờ vậy mà khung cảnh trở nên nên thơ thanh bình và ai nấy đều cảm thấy an yên dù còn đó nỗi lo cơm áo.
Cũng như nhiều làng quê khác của Việt Nam những năm 90 của thế kỷ trước, đường làng lầy lội vào mùa mưa, mịt mù bụi vào mùa hè. Mùa mưa, chỉ có cách xắn quần quá gối. Để đến trường, lũ trẻ chúng tôi phải dậy từ tờ mờ sáng, bì bõm trong bùn. Trễ học là chuyện thường. Bùn đất rửa chưa sạch khi đến lớp cũng là chuyện thường luôn. Vậy nên từng ước ao, thậm chí khát khao “xe ta bon bon trên dặm đường”. Để rồi giờ đây, mỗi lần về quê, đi trên con đường nhựa, đường bê tông phong quang, nhiều người lại thèm thong dong trên những con đường nhỏ quanh co uốn lượn ngày xưa. Nghe có vẻ nghịch lý. Khi đường ĐT 609 từ thị trấn Ái Nghĩa đi Đại Hồng được nâng cấp, ngay ngã tư, cổng chào dẫn vào làng đã có có tiểu hoa viên, điện chiếu sáng. Làng quê giờ đã mang dáng vẻ hiện đại.
Thời ấy nhà tôi cũng tranh tre như những ngôi nhà khác trong làng, có hàng chè tàu cắt xén gọn gàng chạy dọc bờ rào và lối đi. Gia cảnh thanh bần nhưng bình an là điều không dễ gì có được nên giờ sống ở phố, trong căn nhà hộp, bờ rào bê tông, có điều hòa, có quạt máy mà nghe bức bối, tiện nghi đầy đủ mà nhớ lắm thời quá vãng đêm đêm nằm đếm sao trời, nghe cha kể chuyện cổ tích, hay nghe tiếng côn trùng ri rỉ. Mùa đông, nằm nghe tiếng mưa rơi nhẹ và êm trên mái tranh rồi “nhai bắp rang đọc truyện Kim Dung”. Đơn giản vậy mà thương. Bình dị vậy mà nhớ. Mùa hè mát rượi chẳng biết có phải vì ngọn gió trời, hay gió từ tay mẹ quạt mát cả tâm hồn. Mùa đông ấm áp chẳng biết có phải từ căn bếp bập bùng ánh lửa hay hơi ấm từ vòng tay, từ tấm lòng của mẹ, của tình cảm gia đình...
Làng rau Bàu Tròn. ảnh: H.Đ |
2. Trở lại với Bàu Tròn của tôi. Bàu Tròn bây giờ nổi tiếng chuyên canh rau, hướng đến sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP, đã có nhà sơ chế rau rộng hơn 2 nghìn mét vuông giữa cánh đồng. Khách qua lại tuyến ĐT 609 thường dừng chân ở cầu Quảng Huế phóng ống kính về cánh đồng rau quả Bàu Tròn để ghi lại cảnh đẹp của một làng quê xứ Quảng. Bắp, đu đủ, dưa leo, dưa hấu, mướp, ớt, khổ qua, đậu cô ve... mùa nào thức nấy cũng được bày bán dọc đường. Khách thường mua về làm quà hoặc gửi đi xa. Nông sản Bàu Tròn theo khách lan tỏa muôn nơi. Người Bàu Tròn bắt đất “gọi tên bốn mùa”. Mùa hạn hán, đồng đất Bàu Tròn vẫn xanh mướt mắt, cây trái vẫn trĩu quả nhờ được đầu tư giếng khoan nước tưới tắm. Mùa mưa lụt, người Bàu Tròn lại đem cả cánh đồng vào nhà bằng cách ươm giống rau trên trành, trên liếp được che chắn kỹ để tránh mưa lũ và sẵn sàng xuống giống khi qua lũ qua hoặc mùa mưa hết.
Nhưng đâu chỉ nổi tiếng với rau. Bàu Tròn còn được mệnh danh là làng hiếu học. Số học sinh thi đỗ đại học, tốt nghiệp ra trường tìm được việc làm rồi gửi về hỗ trợ quỹ khuyến học của thôn ngày một nhiều. Có người đỗ thủ khoa, được học bổng du học ở nước ngoài, nay trở về Việt Nam công tác. Bàu Tròn còn có một địa chỉ tâm linh mà dân làng ai ai cũng nhớ đến, ấy là đình làng. Đình làng Bàu Tròn xây dựng lần đầu vào năm 1810, đến năm 1966 bị bom đạn tàn phá và được phục dựng lần thứ nhất vào năm 1998. Trong kháng chiến, đình làng là “địa chỉ đỏ” che giấu cán bộ chiến sĩ. Hòa bình lập lại, đình làng trở thành lớp học của học sinh mẫu giáo, lớp 1 - 2, ngày ngày vang tiếng học bài ê a. Quanh đình có phượng vĩ, bàng cổ thụ. Chẳng biết bao nhiêu năm tuổi mà khi chúng tôi học ở trường làng, bóng cây đã sừng sững ở sân đình. Cũng chẳng biết có phải sợ chúng tôi gặp nguy hiểm hay sao mà người lớn cấm chúng tôi leo trèo với lời khuyên có hơi hướm hù dọa: “Đó các cây linh thiêng của làng”. Bọn trẻ chúng tôi, nghe vậy cũng không dám xớ rớ. Năm 2012, nhân dân thôn Bàu Tròn lại tiếp tục huy động con dân trong làng, nhất là người làng thành đạt ở xa quê đóng góp công của đại trùng tu ngôi đình với kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Tế xuân, tế thu, đều được tổ chức tại đình.
Giờ đây, cái khó nghèo nơi tôi sinh ra và lớn lên đã lùi dần vào quá khứ. Làng quê Bàu Tròn đang đổi thay từng ngày. Còn tôi, cũng đủ lớn để nhận ra: “Quê hương nếu ai không nhớ/Sẽ không lớn nổi thành người”.
CHÂU NỮ (Báo Quảng Nam)