CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:22/11/2024

Một thuở bến Hà Tân

Chút dấu vết còn sót lại ở bến Hà Tân (xã Đại Lãnh, Đại Lộc) từng sầm uất, nhộn nhịp giao thương một thời chỉ là những con đò nhỏ nằm trơ trọi, lác đác bóng người khua chèo trên bến vắng.

Ngã ba sông. Ảnh: Internet

Tiết trời đang vào mùa khô, hầu hết các con sông đều đối mặt với tình trạng kiệt nước. Đoạn sông Vu Gia chảy qua cầu Hà Tân thậm chí bi đát hơn khi chỉ như con lạch nhỏ bởi chi chít hệ thống thủy điện phía thượng nguồn. Ở khúc sông này, lội ra tới giữa dòng nước cũng chỉ ngang ngực người lớn, thuyền lớn qua lại nhiều lúc mắc cạn, năm ba người phải lội xuống đẩy hì hục. Khung cảnh buồn tẻ cứ lặp đi lặp lại mỗi khi mùa khô đến. Thuyền bè thương lái thưa thớt dần, “chợ nổi” Hà Tân tiếng tăm mấy chục năm cũng theo đó mà tan biến.

Vừa thoăt thoắt gỡ mớ cá nhỏ trong lưới, anh Nguyễn Văn Bình (thôn Tân An, xã Đại Lãnh) chia sẻ, trước đây cả thôn này đều theo nghiệp sông nước. Nhưng hai chục năm nay, người làng “bất đắc dĩ” phải lần lượt gác mái chèo để lên bờ tìm kế sinh nhai, bởi nước sông ngày một khánh kiệt. Số ít người còn bám trụ bên bến này cũng chỉ để khuây khỏa qua ngày và kiếm thêm chút thức ăn cho gia đình. Anh Bình cho biết thêm, lớp người già bản địa từng buôn bán ở đây phần lớn đã mất hoặc chuyển đến nơi khác sinh sống.

Dò hỏi người trong làng và len lỏi trên con đường đất sâu vào thôn Tân An, tôi gặp cụ Trần Thị Nhơn (80 tuổi) người từng buôn bán ở bến Hà Tân xưa hiếm hoi còn bám trụ với mảnh đất này. Cụ Nhơn cho biết, từ trước giải phóng chợ đã họp nhưng chủ yếu vào ban đêm để tránh máy bay địch quần thảo. Sau năm 1975, chợ càng ngày càng sầm uất và nhộn nhịp bởi hầu hết hoạt động buôn bán không riêng xã Đại Lãnh mà còn của người dân các địa phương lân cận như Đại Hồng, Đại Sơn, Đại Hưng đều tụ tập về đây. Không những thế, đây còn là nơi tập trung giao thương chủ yếu của người đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Nam Giang (Giằng trước kia) với đủ các loại hàng hóa như quế, trái cây, trâu bò… Ngày đó cụ Nhơn cũng từng chống ghe ngược sông lên thị trấn Thạnh Mỹ để lấy thơm về bỏ lại.

Để mô tả cảnh đông đúc của “chợ nổi”, ông Ngô Mễ (trú thôn 3, xã Đại Hưng), một người cũng từng lăn lộn hơn 20 năm với chợ Hà Tân kể: “Lúc đó dọc hai bên bờ sông ở hai phía đầu cầu Hà Tân lúc nào cũng tấp nập ghe thuyền đi lại buôn bán. Những dịp lễ tết ghe thuyền họp đông đến nỗi không có đường luồn lách tìm chỗ bán bưng”. Ông Mễ cũng từng rất khấm khá trong giai đoạn nương nhờ vào “chợ nổi” này bởi sắm được phà lớn để buôn đủ các loại trái cây, hàng hóa từ phía trên thượng nguồn về. Bây giờ gia đình ông vẫn thi thoảng chạy vài chuyến hàng nhưng chẳng thể ghé lại với bến Hà Tân.

Gần chục năm nay, một cây cầu mới kiên cố, bề thế được xây dựng để tránh lũ phía cách đó vài trăm mét khiến giao thông qua lại cầu Hà Tân cũ nằm sát bến Hà Tân càng thêm vắng vẻ. Không khí ồn ào, náo nhiệt thuở nào ở bến Hà Tân chỉ còn nằm trong ký ức của những người đứng tuổi nơi này, những dòng ký ức đứt quãng nhưng đầy màu sắc về một thời của “chợ nổi” Hà Tân.

QUỐC TUẤN (Báo Quảng Nam)

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất