CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:25/11/2024

Đại Lộc xưa qua “lăng kính” các địa danh.

          Như bao miền quê khác của đất Đại Việt, vùng đất Đại Lộc xưa mang đậm truyền thống văn hoá lúa nước. Điều này không chỉ thể hiện qua địa hình các con sông hay hệ thống ao, hồ, đầm, đìa,…mà còn biểu hiện rõ nét qua cách thức gọi tên vùng đất của cư dân nơi đây. Ví như các địa danh: bàu Bạc, khe Hóc Bạc, xứ đồng Lầy, xứ đồng Đầm, rộc Dông, xứ đồng Nhĩ, làng Giao Thủy, làng Hà Nha,…Các yếu tố “Thủy”, “Hà”,….đều có nét nghĩa là nước. Riêng các yếu tố “Bạc”, “Nhĩ”, “Dông”, “Lầy” là những yếu tố liên quan đến nước. Chỉ mặt nước hay dòng nước trắng như bạc (bàu Bạc, khe Hóc Bạc), nói đến mạch nước chảy ngầm (xứ đồng Nhĩ) hay những cơn dông mang theo lượng nước tưới tắm cho khu vực (rộc Dông) hoặc những vùng lầy lội (xứ đồng Lầy, xứ đồng Đầm).

          Cách thức sinh hoạt của cư dân Đại Lộc xưa được thể hiện rõ nét qua các địa danh: hốc Dụng Hóc Thú (nơi có dòng nước nhỏ để dẫn dụ thú dữ trong mùa săn bắn), rộc Đồng Canh (xưa kia có nhiều người chung sức canh gác các loại thú phá hoại hoa màu), xứ đồng Lô Đồng Trại (xứ đồng có trại tập thể để nghỉ ngơi trong quá trình canh tác của nhân dân). Điều này cho thấy hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân Đại Lộc luôn mang tính tập thể cao.

          Đặc điểm dân cư còn thể hiện qua sắc dân đã từng lưu dấu trên mảnh đất này như: xóm Đồng Chàm, xứ đồng Chăm Dưới, xứ đồng Chăm Trên. Dấu tích của người Chăm qua quá trình tiếp biến văn hóa chỉ còn lại ba địa danh cơ bản nêu trên ở Đại Lộc. Họ là những người chủ nhân xưa kia của vùng đất “phên giậu” Đại Việt. Sau những cuộc di dân Nam tiến ào ạt của người Việt, địa bàn cư trú của người Chăm thu hẹp dần và đến mức bị đồng hóa hoàn toàn. Những tộc họ cổ của người Chăm như: “Ông”, “Ma”, “Trà”, “Chế”,..không cưỡng lại được quá trình Nam tiến ấy, phải cải họ sang các tộc khác như “Phan”, “Nguyễn”,… Các địa danh cũng cho thấy rõ quá trình chuyển đổi dân cư của người Đại Lộc. Ví như: xóm Trại. Thực ra “Trại” cũng là một đơn vị hành chính xưa kia, được lập nên bởi những nhóm lính lưu lại để giữ đất sính lễ của nhà Trần. Họ vừa cai quản, vừa canh tác trên phần đất này. Đặc điểm cư trú của nhóm hộ tách rời với khu vực sản xuất. Càng về sau, số lượng gia tăng, những “Trại” này phát triển thành “Xóm”. Đặc điểm dân cư lúc này là tổ hợp địa hình sông-xóm-khu vực canh tác. Về sau, bởi sự tác động mạnh mẽ của đường thủy, đặc biệt là Vu Gia, Thu Bồn, các chợ được hình thành và thương mại phát triển. Mô hình cư trú vì thế cũng biến chuyển theo (sông-chợ-cộng đồng dân cư-các khu vực canh tác). Đặc điểm này lưu dấu trong các địa danh như xóm Mới, xóm Chợ,…

Thắng cảnh Khe Lim

          Nói đến các hoạt động kinh tế, nghề nghiệp của người dân Đại Lộc xưa biểu thị qua địa danh, có thể kể đến:khe Đá Mài, khe Rúc, xứ đồng Lò Rèn, xứ đồng Nương Dâu, xứ đồng Ục Bắp Cày, rộc Ruộng, rộc Thổ Má, ...Rất rõ ràng với các yếu tố thuần Việt, bức tranh nghề nghiệp, kinh tế của Đại Lộc hiện lên thật sinh động, đa dạng ngành nghề, từ trồng trọt đến chăn nuôi, từ các hoạt động thủ công mĩ nghệ, săn bắt đến phương thức sản xuất tập thể,… đều được phản ánh khá toàn diện qua địa danh Đại Lộc.

          Nhắc đến địa danh xứ đồng Nương Dâu, dễ dàng liên tưởng đến nghề ươm tơ dệt lụa nổi tiếng một thời. Trong tiềm thức của người Đại Lộc, nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa quả là nghề cơ cực, “ăn đứng, ngủ ngồi”. Thế nhưng, nghề truyền thống này đã từng hun đúc, rèn giũa tính chịu thương chịu khó của người Đại Lộc xưa nay.

          Nghề làm đá cũng là nghề có truyền thống lâu đời ở huyện Đại Lộc. Nét đặc trưng của nghề thể hiện qua các địa danh: khe Đá Mài ở thôn Đại Khương (xã Đại Chánh) và khe Đá Mài ở thôn Xuân Nam (xã Đại Thắng). Đá Mài là loại đá chất lượng cao, mịn và mềm, mài ra bùn, được dùng làm đá mài dao và các loại dụng cụ sinh hoạt bằng sắt. Sản phẩm của nghề đá Đại Lộc xưa gồm nhiều loại gia dụng như: cối xay bột, cối giã, đá tán kê cột nhà, đá khối xây vách, nện móng nhà, bia mộ và các đồ trang trí, kiến trúc đình, chùa,…Ngày nay, do nhiều nguyên nhân khách quan, các làng nghề làm đá thủ công mĩ nghệ dần mai một, chỉ còn lưu dấu loại vật liệu tiêu biểu của nghề qua địa danh: khe Đá Mài.

          Nghề săn bắt, hái lượm gắn với các địa danh: khe Rúc (vật dụng bắt cá), xóm Đồng Dụ, nà Cây Ui (Ươi). Ở vùng rừng núi Đại Lộc xưa, đến mùađi săn, người ta tập hợp năm bảy trai tráng trong làng. Người đứng đầu một đội săn thú có còi riêng làm bằng sừng trâu, bịt bằng bạc ròng rất đẹp. Dụng cụ săn là cây dụ, một loại dáo dài khoảng hai mét rưỡi. Lưỡi dụ giống lưỡi dao phay thu nhỏ, đầu nhọn và một phía lưỡi bén ngọt. Đầu cán dụ cũng được bịt sắt nhọn. Dụ để đâm trực tiếp hoặc phóng như phóng lao vào con mồi đang chạy. Lưỡi dụ dùng để xẻ thịt con mồi săn được. Xóm có nhiều người cùng đi săn như vậy gọi là xóm Đồng Dụ. Còn Ui (Ươi) là một loại cây ba năm mới có một mùa trái, thường vào năm nhuận. Đến mùa ươi bay, người Đại Lộc tham gia hái lượm rất đông. Nhìn chung, nghề nghiệp trên địa bàn huyện Đại Lộc hầu như là những ngành nghề nặng nhọc, chủ yếu dựa vào điều kiện tự nhiên vốn sẵn có nơi đây. Do vậy, đòi hỏi đức tính cần cù, siêng năng- điều kiện tiên quyết để sinh tồn và phát triển. Đây cũng là nét tính cách đặc trưng của người Đại Lộc nói riêng, người Việt nói chung.

          Qua phân tích, bóc tách các địa danh về mặt ngôn ngữ, rõ ràng bức tranh về vùng đất Đại Lộc xưa được đồng hiện nguyên sơ hình hài xưa cũ của mình. Dẫu cho địa vật, địa chất có biến thiên qua trăm nghìn dâu bể, những địa danh ấy vẫn phản ánh một cách chân thực từ truyền thống văn hoá đến tập quán sinh sống, phương thức sinh hoạt cộng đồng cũng như những ngành nghề vang bóng một thời,…của vùng đất “phên giậu” thuộc Đại Việt xưa. Từ đấy nhắc nhớ về cội nguồn quê hương, tạo thêm động lực, tiếp thêm sức mạnh để chúng ta vững bước trên con đường phát triển.

Hồ Quách Triều Đổng

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất