CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:22/11/2024

CHUYỆN VỀ TÁC GIẢ CUỐN “QUỐC NGẠN”

                                                                                                                                    Vân Trình

          Năm 1931, Nhà in Tiếng Dân, Huế xuất bản cuốn “Quốc ngạn” mà tác giả là Cử nhân Lương Thúc Kỳ. Ông chẳng những là một nhà Duy Tân, nhà giáo có tâm, có tài mà còn là nhà văn, nhà thơ có đóng góp to lớn cho thư tịch văn học  nước nhà.

 

Trang đầu cuốn Quốc ngạn (Quyển thượng)         

           Dáng dấp “Gia huấn ca” của Nguyễn Trãi

          Ngạn ngữ Việt Nam vốn lưu truyền trong dân gian từ lâu đời, gồm nhiều chủ đề mà các bậc tiền nhân dùng làm bài học để giáo dục đạo làm người. Lương Thúc Kỳ cho rằng: “Tiếng ngạn là một mối có quan hệ trong nước. Nước ta ở phía nam châu Á, đã trải bốn nghìn năm, dân số ước đến hai mươi lăm triệu, những người biết chữ nghĩa, thông hiểu việc xưa nay trăm phần chưa được một; còn những hạng đàn ông đàn bà không học, thuộc về phần nhiều, nhưng xét khi ăn ở trong gia đình, ứng tiếp ngoài xã hội, câu chuyện việc làm, không điều gì là không hiệp lẽ thường, giống như một người có học vậy. Nếu không nhờ lời phương ngôn, tục ngữ quen thuộc trên đầu lưỡi để làm nề nếp khuyên răn dạy bảo thời làm sao được cách ở đời như thế, than ôi! tiếng ngạn cũng có công hiệu với dân tộc ta nhiều”. Với quan niệm ấy,cụ Lương bỏ ra 5 năm trời để tìm tòi những ngạn ngữ truyền khẩu trong dân gian có từ lâu đời, chủ yếu ở vùng miền Trung, tập hợp thành bộ Quốc ngạn gồm 2 quyển: Quyển thượng (Nhân sự) và Quyển hạ (Vật lý).

          Quốc ngạn có 1.500 liên (mẫu, đoạn), mỗi liên thể hiện một nội dung, là một chủ đề về nhân sinh cũng như đạo đức, phong tục, tập quán. Trọn bộ là 3.000 câu ngạn ngữ trong nước, có ghép thêm những câu chữ Hán làm thành những câu đối rất công phu. Xin đơn cử:

          Măng không uốn, tre uốn sao được, giáo tử tất ư anh hài (Dạy con ắt phải dạy khi con còn thơ bé).

          Rô cũng tiếc, giếc cũng ham, an đắc kiêm nhi hữu chi (Cái gì cũng muốn sao được?)

          Trâu ai, nghé mình, nhơn tử thủ vi kỷ tử (Con người ta cũng như con mình)

          Lửa gần rơm không cháy cũng tròm trèm, tri nam nữ chi dục tình nan chế  (Trai gái gần nhau khó ngăn được dục tình)

          Có nhiều câu ngạn ngữ người đọc phải nghiên cứu, ngẫm nghĩ mới thấy được cái hay:

          Hư tẩn dịch hoàng kim, có của ông Hóng,

          Thâm trì lâm hạc mã, như gậy thằng mù.

          Dịch nghĩa:

          Hư tẩn là cái hang trống, hang trống mà ném vàng vào thì biết mấy cho đủ, do đó chỉ có của ông Hóng

          Thâm trì lâm hạc mã là nơi ao sâu lại đi con ngựa mù thì rõ ràng nguy hiểm như gậy thằng mù.  

          Hay câu:

          Bao nhiêu thương bấy nhiêu ghét, quân bất kiến Di Tử tằng hạm quân dĩ dư đào.

           Dịch nghĩa:

           Bao nhiêu thương bấy nhiêu ghét, người chẳng thấy ông Di Tử từng cho vua ăn quả đào dư (thừa).

          Câu này lấy điển tích ông Di Tử Hạ bên Trung Hoa ăn một quả đào tiên quý, ăn một nửa lại nghĩ đến vua. Khi vua yêu quý ông thì cho là ông có lòng thảo, khi vua ghét lại hạch tội là ông khi quân, ăn thừa rồi mới cho vua ăn.

          Dẫu tác giả Lương Thúc Kỳ khiêm nhường cho rằng, độc giả khi đọc Quốc ngạn“chẳng khác gì miệng chán cao lương, phải dùng sơ thái, cho trải thú thôn quê đó mà thôi” nhưng rõ ràng tác phẩm này là tài liệu quý, có ý nghĩa giáo dục giữ gìn đạo đức và bản sắc dân tộc Việt. Trong bài viết Lương Thúc Kỳ- Hiệu trưởng trường Dục Thanh, tác giả Phạm Phú Phong nhận xét: “Cuốn sách có dáng dấp của một Gia huấn ca của Nguyễn Trãi, nhưng không gói gọn trong quan hệ gia đình, mà khái quát nhiều vấn đề rộng lớn của xã hội, của đạo làm người, là cơ sở văn hóa Việt Nam, trước hết là văn hóa ứng xử, nhìn từ nội dung giáo dục xã hội và triết lý nhân sinh”. Còn theo Trần Mạnh Thường trong cuốn Các tác gia văn chương Việt Nam (Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, tập 1): “Với tác phẩm này, có thể khẳng định rằng ông (Lương Thúc Kỳ) là nhà văn đầu tiên viết về văn học truyền khẩu bằng chữ quốc ngữ sớm nhất ở Trung Kỳ”

Con cháu tộc Lương viếng hương mộ Cử nhân Lương Thúc Kỳ.         

          Vị Cử nhân đầu tiên của vùng Tây Đại Lộc

         Lương Thúc Kỳ sinh ngày 13 tháng 6 năm Quý Dậu (1873), tự Tử Khôi, hiệu là Đài Nam, người làng Hà Tân, huyện Diên Phước (nay là thôn Hà Tân, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Ông đỗ Cử nhân năm Canh Tý (1900) tại trường Thừa Thiên, đồng khoa với Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh, Nguyễn Đình Hiến. Đây là vị Cử nhân đầu tiên của vùng Tây Đại Lộc. Mừng ông đỗ Cử nhân, Tổng tài Quốc sử quán Nguyễn Thuật có câu liễn:

          Lâm phóng nhứt chi vinh quế thọ;

          Hà lưu cửu khúc dẫn văn lan

          (Rừng nho trao xuống cành vinh quế;

          Sông văn cuộn khúc tợ sông trôi)

          Mặc dù làm quan cho chế độ thực dân, phong kiến nhưng Lương Thúc Kỳ không ham mê bổng lộc, công danh thăng tiến mà luôn tỏ rõ là một vị quan thanh liêm, đức độ, yêu thương dân nghèo. Do bất đồng với triều đình và thực dân xâm lược nên ngay khi còn đương chức, ông tích cực hoạt động trong Phong trào Duy Tân từ những năm đầu thế kỷ XX, tham gia trong Ban Giảng huấn trường Dục Thanh (Phan Thiết). Năm 1908, khi phong trào chống sưu, thuế khởi phát từ quê nhà Đại Lộc, ông bị Nam triều và Pháp bắt giam khi đang giữ chức Quyền Tri huyện Tuy Phong (Bình Thuận). Năm 1910 được trả tự do, một thời gian sau ông chuyển sang ngạch học quan (dạy học), làm Huấn đạo huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), huyện Cam Lộ (Quảng Trị); Giáo thọ phủ Tuy An (tỉnh Phú Yên). Năm 1919, Lương Thúc Kỳ được thuyên chuyển về Kinh đô Huế làm việc ở Cổ học viện do Nguyễn Bá Trác làm Quản tu, chuyên công việc biên soạn sách Hán học. Ông là đồng tác giả các sách:Thừa Thiên địa lý chí; Thừa Thiên đăng khoa lục; Hán Việt từ điển… Sau năm 1945, Lương Thúc Kỳ được chính quyền cách mạng mời tham gia Mặt trận Liên Việt huyện Đại Lộc. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, tuy đã ở vào lớp tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông vẫn hăng hái tham dự các cuộc mit-tinh ở huyện, xã, động viên con cháu tích cực tham gia kháng chiến, một lòng tin tưởng vào sự tất thắng của Cách mạng. Ngày 23 tháng 9 năm Đinh Hợi (5-11-1947), ông qua đời tại quê nhà. Tên Cử nhân Lương Thúc Kỳ đã được đặt cho một trường THPT của huyện Đại Lộc và 1 đường phố ở thành phố Đà Nẵng (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn). Ngày 07/7/2015, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam có Nghị quyết số 164/2015/NQ-HĐND về bổ sung Quỹ tên đường tỉnh Quảng Nam, trong đó có tên Cử nhân Lương Thúc Kỳ. Ngày 10/6/2019, UBND tỉnh Quảng Nam có Quyết định số 1693/QĐ-UBND xếp hạng Di tích cấp tỉnh đối với mộ cụ Lương Thúc Kỳ. 

                                                                                                                                                          V.T

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất