CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:22/11/2024

Tọa đàm “Huỳnh Ngọc Huệ với quê hương và tổ chức công đoàn”

Gần 7 thập kỷ trôi qua, kể từ ngày mất, những cống hiến to lớn trong quãng đời ngắn ngủi 35 mùa xuân của đ/c Huỳnh Ngọc Huệ luôn được Đảng, nhà nước trân trọng, tôn vinh và ngợi ca. Nhân dịp kỷ niệm 130 năm Quốc tế Lao động, 67 năm ngày mất của đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ (27.4.1949-27.4.2016), sáng ngày 26.4,  Liên đoàn lao động huyện Đại Lộc phối hợp với BTG huyện ủy tổ chức tọa đàm “ Huỳnh Ngọc Huệ với quê hương và tổ chức công đoàn” nhằm đánh giá, tôn vinh vai trò của đ/c đối với sự nghiệp cách mạng, đối với quê hương Đại Lộc nói riêng, Quảng Nam và cả nước nói chung. Qua đó, thu thập, củng cố thêm một số thông tin, tư liệu lịch sử, nhân chứng về cuộc đời của đ/c Huỳnh Ngọc Huệ.

Quang cảnh buổi toạ đàm

Đến dự buổi tọa đàm có đ/c Lưu Văn Thương- PCT LĐLĐ tỉnh; đ/c Trần Quốc Bảo- Trưởng Ban Tuyên giáo LĐLĐ tỉnh. Về phía huyện có đ/c Phan Xuân Quang-TUV, Bí thư huyện ủy cùng các đ/c trong BTV huyện ủy, TT HĐND, UBND, UBMTTQVN huyện cùng lãnh đạo các ban ngành, đoàn thể, chính quyền xã Đại Hòa; đại diện lãnh đạo trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ và thân nhân gia đình. 

 

Các Đại biểu tham gia toạ đàm

Đ/c Huỳnh Ngọc Huệ bí danh là Hoa, Ngọc và Hồng Chính sinh năm 1914, tại làng Mỹ Hòa, tổng Mỹ Hòa, nay thuộc xã Đại Hòa, trong một gia đình nông dân giàu truyền thống cách mạng. Năm 1934, Huỳnh Ngọc Huệ thi vào trường kỹ nghệ thực hành tại Huế  do Pháp xây dựng và trở thành một giáo viên có uy tín của trường. Năm 1937, đ/c Huỳnh Ngọc Huệ cùng các đ/c Tố Hữu, Đào Duy Dzếch được cử làm đại diện cho Đoàn thanh niên dân chủ trong nhà trường và hội hướng đạo, làm thư ký Hội Ái hữu Trường kỹ nghệ thực hành Huế và là bí thư chi bộ nhà trường; đ/c đã cùng bạn bè tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng đấu tranh đòi dân chủ, dân sinh và được kết nạp vào Đảng năm 1937.

 

Đồng chí Phan Xuân Quang- TUV, Bí thư huyện uỷ phát biểu tại buổi toạ đàm

Trong quãng đời ngắn ngủi của mình, đ/c  Huỳnh Ngọc Huệ đã cống hiến trọn đời mình cho lý tưởngcách mạng, từng trải qua 6 nhà lao: Thừa Phủ (Huế), Đắc Tô, Đắc Glei (Kon Tum), Quy Nhơn (Bình Định), Sơn Tràà (Đà Nẵng), Hỏa Lò (Hà Nội). Cách mạng tháng 8 thành công, đ/c được phân công làm Thường vụ xứ ủy Trung Kỳ, phụ trách công vận, là Thư ký Hội Công nhân cứu quốc Trung bộ, chủ nhiệm kiêm thư ký tòa soạn báo “Tay Thợ” vào tháng 10/ 1945. Đến năm 1946, đ/c được Đại hội xứ ủy Trung Kỳ bầu làm Phó Bí thư xứ ủy. Cuối năm 1947, đ/c trở lại làm Thư ký Liên hiệp Công đoàn khu V. Năm 1949, đ/c Huỳnh Ngọc Huệ được Đại hội Đảng bộ khu V bầu làm Phó Bí thư khu V. Đến tháng 4.1949, đ/c  bị nhiễm trùng uốn ván và qua đời, để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng đồng bào, đồng chí.

 

 

Với những cống hiến lớn lao của mình, đ/c Huỳnh Ngọc Huệ được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân chương cao quý khác.  Ngoài ra, để giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, tôn vinh những cống hiến lớn lao của đ/c, UBND tỉnh vừa phê duyệt, ban hành giải thưởng mang tên Huỳnh Ngọc Huệ, giải thường này sẽ được tổ chức trao vào dịp 28.7, nhân kỷ niệm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam nhằm tuyên dương, khen thưởng những tấm gương cán bộ, công nhân viên chức lao động xuất sắc, có những sáng kiến đóng góp vào sự phát triển của quê hương.

Bích Liễu 

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất