Hôm nay:22/11/2024
Năm mươi năm sau Chiến thắng Hà Vy (xã Lộc Vĩnh, nay là xã Đại Hồng), sự kiện Đại đội 1 Bộ đội địa phương huyện Đại Lộc được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân là sự vinh danh xứng đáng đối với những con người làm nên lịch sử.
Tái hiện chiến thuật trận đánh Hà Vy của Đại đội 1 và du kích xã Lộc Vĩnh (nay là xã Đại Hồng, Đại Lộc). Ảnh: H.Liên |
Lịch sử vinh danh
Dịp lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Hà Vy, cán bộ, chiến sĩ của Đại đội 1 Bộ đội địa phương huyện Đại Lộc - những con người làm nên lịch sử ngày ấy trở lại mảnh đất Đại Hồng, nơi chiến trường xưa, không được mấy người. Phần đông họ đã hy sinh trên khắp chiến trường, người còn ở lại cũng đã vào cái tuổi “thất thập cổ lai hy”. Đại tá Phạm Tấn Bá - từng là cán bộ trinh sát Đại đội 1 chia sẻ: “Lẽ ra hôm nay về đây kể lại những chiến công của đại đội là các anh Lê Tấn Thanh - Đại đội trưởng, Trần Ngọc Anh - Chính trị viên, Nguyễn Mới - Đại đội phó, những người chỉ huy tài ba, dũng cảm của chúng tôi ngày ấy. Song các anh và nhiều đồng đội trong đơn vị đã nằm lại chiến trường”. Dịp này, những cựu chiến binh già đã cùng nhau chung góp để xây dựng một công trình bia chiến tích ngay khu vực thôn Hà Vy để tưởng niệm những đồng đội đã anh dũng ngã xuống trên vùng đất Lộc Vĩnh nói riêng, chiến trường miền tây Đại Lộc nói chung. Công trình này nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ dự kiến sẽ hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng bộ xã Đại Hồng vào 8.2016.
Năm mươi năm trôi qua, bài học và ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Hà Vy vẫn còn nguyên giá trị. Những kinh nghiệm về tổ chức thế trận chiến tranh nhân dân, trụ bám cơ sở, huy động sức mạnh tổng hợp trong toàn quân toàn dân là bài học còn mãi với thời gian. So với những trận đánh lớn như Thượng Đức, Núi Thành…, chiến thắng Hà Vy có quy mô nhỏ, song ý nghĩa và bài học lịch sử từ trận đánh này hết sức to lớn. Yếu hơn về lực lượng, khí tài, nên chiến thắng Hà Vy cho thấy được tinh thần quả cảm, mưu trí của các chiến sĩ và sự tài ba trong chỉ huy thế trận, chiến thuật với các bài học “bám thắt lưng địch mà đánh”, “tùy cơ ứng biến”, “đánh nhanh thắng nhanh”…
Theo Đại tá Phạm Tấn Bá, ý nghĩa lớn của chiến thắng Hà Vy là đã làm thất bại âm mưu càn quét, bình định của địch ở xã Lộc Vĩnh và vùng tây Đại Lộc. Trong khi Thượng Đức được mệnh danh là “cánh cửa thép”, là “mắt ngọc của đầu rồng” bị ta uy hiếp liên tục thì việc chọn tấn công vào xã Lộc Vĩnh và các vùng lân cận sẽ giúp địch làm chủ, dễ dàng hình thành căn cứ quân sự, dễ dàng cho kế hoạch bình định trong thời gian ngắn. “Chiến thắng Hà Vy và những trận đánh làm tiêu hao lực lượng địch trước đó như trận chặn đánh một trung đội thám báo Mỹ tại xã Đại Hiệp vào 6.1965, trận phục kích đánh hai tiểu đoàn Mỹ hành quân máy bay và xe tăng yểm trợ tại Bàu Mưng, thôn Lâm Tây, Đại Đồng vào 1.1966… đã xóa tan tư tưởng “sợ Mỹ”, cổ vũ, động viên mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của quân và dân địa phương” - Đại tá Phạm Tấn Bá nói.
Những tấm gương sáng ngời
Đại đội 1 Bộ đội địa phương huyện Đại Lộc là đơn vị có những tay súng thiện xạ, biết phát huy sức mạnh của vũ khí trong cuộc chiến, như Nguyễn Năm (Xuân), Nguyễn Mới, Nguyễn Đình Huệ, Nguyễn Chất, Tuyên, Tuyn, Trung, Lộc, Chiến, Bích… Nơi nào có Đại đội 1 thì nơi đó có những trận đánh thu được nhiều vũ khí. Cán bộ, chiến sĩ đại đội đi tới đâu cũng được nhân dân đùm bọc, chở che. Dưới sự chỉ huy tài tình của các anh Lê Tấn Thanh, Trần Văn Anh, Nguyễn Mới, Nguyễn Trung Chính… toàn đơn vị đã vượt muôn ngàn gian nan, thử thách trong những trận chiến ác liệt với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Những người lính từ chiến trường năm xưa trở về, đến bây giờ vẫn giữ mãi niềm tự hào khi được sống và chiến đấu bên Đại đội trưởng Lê Tấn Thanh, Chính trị viên Trần Ngọc Anh - những người được xem là “linh hồn” của đại đội. Đại đội trưởng Lê Tấn Thanh là người con của làng Hà Vy, xã Lộc Vĩnh, luôn đi đầu, kiên gan trong các trận đánh, là một tên tuổi khiến bọn Mỹ rất ngán ngại. Ông Nguyễn Thái Nam - Chủ tịch Hội Tù yêu nước huyện Đại Lộc, nguyên Xã đội phó Đội du kích xã Lộc Vĩnh chia sẻ: “Đại đội trưởng Lê Tấn Thanh là một người chỉ huy tài ba. Chiến thắng Hà Vy, trước hết thuộc về tài chỉ huy của anh Thanh. Tinh thần quả cảm, kiên trung của người thủ lĩnh đã truyền lửa cho tất cả anh em đại đội”.
Chính trị viên Trần Ngọc Anh cũng là con người sắc sảo, nơi nào ác liệt là ở đó ông có mặt. Những lời tâm tình, động viên từ ông có sức mạnh ngàn cân, giữ chân nhiều chiến sĩ chưa quen với thử thách. Trận đánh vào xóm Mít, thôn 12, Thượng Đức năm 1966, quân ta hy sinh nhiều, ông đã khom người xuống từng công sự cõng bằng hết anh em đưa về phía sau. Máu loang cả áo và tấm thân gầy guộc của ông. Chính trị viên phó Nguyễn Văn Trường được đồng đội cũ nhận xét khá nóng tính, song là con người rất sôi nổi, nhiệt huyết, rất mẫu mực, thẳng thắn, có tài nói chính trị rất hay. Những buổi nói chuyện chính trị của ông đã gieo vào lòng chiến sĩ mới, chưa quen lửa đạn trận mạc về tình yêu quê hương, khơi dậy ý chí quyết tâm, vững chắc tay súng. Đại tá Võ Đình Trí - nguyên cán bộ thông tin liên lạc Đại đội 1 kể trong niềm thương tiếc về tấm gương hy sinh anh dũng của Chính trị viên Nguyễn Văn Trường và con trai Nguyễn Văn Kháng. Ông Trường quê ở thôn Bộ Bắc, xã Đại Hòa, có cậu con trai tên là Nguyễn Văn Kháng mới 14 tuổi đã nằng nặc xin làm chiến sĩ đại đội. Ở trận đánh cầu Lừ (1966), Kháng đã dũng cảm hy sinh; mấy năm sau người cha cũng ngã xuống giữa quê hương. Đồng đội ngày ấy vẫn còn nhớ đến Trường “gan cóc tía” khi trong trận Núi Lở, ông đã đuổi theo tên địch bắn khẩu trung liên còn đỏ nòng để bắt và thu khẩu súng cho bằng được. Ngoài tấm gương anh dũng của cha con Chính trị viên Nguyễn Văn Trường, Đại đội 1 còn có những cặp anh em cùng chiến đấu bên nhau như Huỳnh Minh Tú - Huỳnh Hải Lục, Lê Minh Huy - Lê Minh Sáu, họ cũng đã về với đất mẹ sau những năm xông pha trận mạc… Những người con ưu tú của quê hương Đại Lộc ngày ấy đã làm rạng danh xứ sở, chiến công lẫy lừng của Đại đội 1 đã in đậm trong sử sách để các thế hệ mãi mãi lưu truyền.
HOÀNG LIÊN (Báo Quảng Nam)