Hôm nay:22/11/2024
Nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng với những người đi ra từ cuộc chiến, ký ức về trận chống càn xuất sắc tại thôn Hà Vy (xã Lộc Vĩnh, nay là Đại Hồng, Đại Lộc) vẫn chưa phai mờ theo thời gian.
Chúng tôi tìm về vùng đất nơi xưa kia là cánh đồng Hà Vy nằm hiền hòa ven sông Vu Gia, để nghe từ trong âm ba của đất, của sông những câu chuyện kể về một thời oanh liệt, hào hùng của quân và dân nơi đây. Trước sự khắc nghiệt của đạn bom chiến tranh và thời gian, phần lớn những người làm nên chiến công của 50 năm trước giờ đã về với đất mẹ. Góp nhặt chút ký ức nơi những người còn ở lại để thắp lửa, nhắc nhớ về vùng đất anh hùng sản sinh ra những người con gan góc, dũng cảm, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.
Bia chiến tích chiến thắng Hà Vy. |
Dân làng Hà Vy vẫn nhắc mãi về người con kiệt xuất của làng: Đại đội trưởng Đại đội 1 Bộ đội địa phương huyện Lê Văn Thanh, người trực tiếp chỉ huy trận đánh chống càn và xuất sắc giành thắng lợi. Cách thức tổ chức đánh linh hoạt, nhạy bén, huy động sức mạnh tổng hợp của quân và dân, biết tận dụng điều kiện, lợi thế về địa hình, lấy yếu đánh mạnh… của người chỉ huy Lê Văn Thanh từng được cấp trên khen ngợi, tổ chức cho nhiều địa phương, đơn vị học tập kinh nghiệm. Tham gia làm nên Chiến thắng Hà Vy (2.4.1966), bên cạnh đội quân chủ lực của huyện Đại Lộc còn có sự kề vai sát cánh và dũng cảm, mưu trí của Đội du kích xã Lộc Vĩnh. Đội du kích xã do đồng chí Nguyễn Văn Mạch - Bí thư Chi bộ xã trực tiếp chỉ huy; đồng chí Bùi Miên làm Xã đội trưởng, đồng chí Nguyễn Thái Nam và Nguyễn Khánh Nữa làm Xã đội phó. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Lê Văn Thanh, Đội du kích xã Lộc Vĩnh ngày ấy đã bám trụ, hỗ trợ bộ đội địa phương tác chiến, gặt hái nhiều thành tích xuất sắc. Và trận chống càn này đã “châm ngòi nổ”, cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu của quân và dân ta, để chỉ trong mấy tháng cuối năm 1966, quân và dân xã Lộc Vĩnh đã góp sức cùng đội quân chủ lực huyện bẻ gãy 20 trận càn quét lớn nhỏ của địch vào các làng ấp trên địa bàn, bảo vệ bình yên thôn xóm.
Sau chiến thắng Hà Vy, Đại đội 1 được tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhất và 12 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Ba; 16 cá nhân được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”; 8 cá nhân được bầu là Chiến sĩ thi đua miền Trung Trung Bộ. Riêng xã Lộc Vĩnh (Đại Hồng) được Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Trung Trung Bộ tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhì, Huân chương chiến công Giải phóng hạng Ba, Cờ Dũng sĩ diệt Mỹ… |
Chủ tịch Hội Tù yêu nước huyện Đại Lộc Nguyễn Thái Nam - nguyên Xã đội phó du kích xã Lộc Vĩnh (1965 - 1968) là một chứng nhân quan trọng và cũng là người nắm rõ về những thông tin, diễn biến của Chiến thắng Hà Vy, hiện sống tại thôn Dục Tịnh (xã Đại Hồng). Ông kể cho chúng tôi cuộc chiến chống càn năm xưa với giọng điệu thật hào hứng, ông còn nhanh nhẹn lấy ra những tài liệu liên quan đến trận đánh để minh chứng. Để câu chuyện trở nên dễ hiểu và sinh động hơn, ông lấy giấy bút, phác họa lên đó những đường nét cơ bản về sơ đồ chiến thuật trận đánh. Ít ai ngờ rằng những ký ức suốt 50 năm qua vẫn được ông lưu giữ vẹn nguyên. Ông Nguyễn Thái Nam kể: Cuối tháng 3.1966, nhận được nguồn tin quân Mỹ sẽ đổ bộ bằng đường không để đi càn lên Đại Lộc mà trọng điểm là xã Lộc Vĩnh (Đại Hồng), Huyện ủy Đại Lộc chỉ đạo huyện đội triển khai lực lượng chiến đấu và giao nhiệm vụ cho Đại đội 1 Bộ đội địa phương trực tiếp tác chiến. Nhận lệnh từ huyện ủy, một cuộc họp khẩn diễn ra, nhiệm vụ được phân công đến từng người, đội hình chiến đấu triển khai sẵn sàng. Đội du kích xã Lộc Vĩnh có nhiệm vụ trinh sát, yểm trợ, dẫn đường cho bộ đội huyện tác chiến. Ba mươi lăm chiến sĩ trong đội được cử về 8 thôn phối hợp tác chiến với bộ đội huyện. Ban chỉ huy Đại đội 1 đã nhận định tình hình giữa ta và địch, xác định hướng tấn công của quân địch, bố trí, phân công lực lượng bộ đội và du kích phối hợp chặn đánh địch từ nhiều hướng. Ban chỉ huy đại đội đã chọn những nơi có lợi thế bố trí lực lượng mật phục và địa điểm mật phục đón đầu quân địch là thôn Hà Vy. “Ngoài các tuyến chủ lực do lực lượng bộ đội địa phương đảm trách, ở các thôn xung quanh Hà Vy như Ngọc Kinh, Lập Thuận, thôn 2, thôn 3, Lục Nam… cũng thành lập phòng tuyến ngoài dưới sự chỉ huy của các đồng chí Nguyễn Văn Tận (Chính trị viên Đại đội), Bùi Miên (Xã đội trưởng), Nguyễn Thái Nam… Đoán được âm mưu của địch, làm chủ được thế trận, tận dụng lợi thế về giao thông hào, làng chiến đấu, công sự chiến đấu, nhờ tổ chức được nhiều mũi giáp công, nhiều mũi mật phục, huy động toàn bộ hỏa lực của cối M.60 nên chỉ trong một ngày quần nhau với địch, bộ đội huyện và dân quân du kích xã buộc địch phải dùng trực thăng rút tàn quân về căn cứ” - ông Nguyễn Thái Nam nói.
Còn theo ông Nguyễn Đình Tuân - nguyên Thường trực Ủy ban giải phóng xã Lộc Vĩnh, trận chống càn Hà Vy là trận đánh xuất sắc của bộ đội huyện và dân quân du kích xã và cũng từ đó xã Lộc Vĩnh đã có nhiều dũng sĩ diệt Mỹ. “Lực lượng của ta chỉ gồm đại đội bộ đội địa phương huyện và 35 du kích xã đã tiêu diệt gọn một đại đội thủy quân lục chiến của Mỹ, làm bị thương 2 đại đội khác. Qua đó cho thấy tinh thần quả cảm, mưu trí, linh hoạt, sáng tạo của người chỉ huy tài ba Lê Văn Thanh và tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của dân quân ta” - ông Nguyễn Đình Tuân nói. Và, làm nên thắng lợi to lớn đó, bên cạnh tài mưu lược quân sự còn có sự ủng hộ, tham gia tích cực của những gia đình bám trụ, những người chị, những người mẹ, những em thiếu nhi tình nguyện dẫn đường, khiêng thương… Mỗi ngôi làng là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ, tất cả tạo nên sức mạnh tổng hợp. Bà Trương Thị Trà - nguyên cán bộ Huyện ủy, nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện (nay đã 83 tuổi) nhớ lại: “Khí thế chuẩn bị cho trận chống càn Hà Vy vô cùng sôi nổi, từng đơn vị, cán bộ, chiến sĩ được phân công nhiệm vụ cụ thể, chặt chẽ. Các cháu thiếu niên nghe ngóng tình hình, trinh sát báo cáo tình hình lên bộ đội. Ở tuyến hậu phương, dân công có nhiệm vụ tham gia tải thương, phụ nữ đảm nhận hậu cần, nấu cơm nuôi bộ đội chiến đấu. Những nắm cơm, gói muối đậu mặn mòi nghĩa tình quân dân của các mẹ, các chị đã tiếp thêm sức mạnh vào niềm tin thắng lợi”.
HOÀNG LIÊN - DUY LIỄU (Báo Quảng Nam)