Hôm nay:25/11/2024
LA VÂN- PHÚ XUÂN, NGHĨA ĐẤT TÌNH NGƯỜI
Vân Trình
Theo Địa chí Quảng Nam- Đà Nẵng, trước Cách mạng Tháng Tám- 1945, làng Phú Xuân thuộc tổng Quảng Hòa, phủ Duy Xuyên; đến tháng 9-1946 thuộc huyện Đại Lộc. Làng Phú Xuân xưa gồm phần đất của các thôn: Phú Xuân (xã Đại Thắng) và Xuân Tây (xã Đại Tân) hiện nay.
Các bô lão địa phương kể lại, nguyên tên gọi của làng Phú Xuân là La Vân. Kể từ sau cuộc hôn nhân lịch sử giữa vua Chiêm Chế Mân và Huyền Trân công chúa (nhà Trần), những lưu dân Việt vùng Thanh- Nghệ có mặt ở vùng đất mới để khai canh, lập làng. Tiền nhân đã ghép hai chữ: La- tên dòng sông đẹp của xứ Nghệ thân thương và Vân- mây thành ra tên làng. La Vân- áng mây đưa nỗi nhớ thương khôn nguôi của kẻ tha hương về với cố xứ…
Tương truyền, cái tên Phú Xuân ra đời vào những năm 20 của thế kỷ XIX, gắn với một vị đại thần triều Nguyễn- cụ Nguyễn Tường Vân. Ông là Binh Bộ Thượng thư (tương đương Bộ trưởng Quốc phòng ngày nay), tước Nhuận Trạch hầu. Giữ chức chưa được bao lâu thì cụ qua đời năm Minh Mạng nguyên niên -1820. Trước khi mất, Nguyễn Tường Vân có tờ biểu tâu lên vua, trình bày những điều gan ruột về việc nội trị, ngoại giao. Vua xem biểu không khỏi than tiếc: “Vân đủ cả tài chính sự, văn học, lo việc nước theo phép công, gặp việc nghĩ gắng sức, chưa ai có thể kịp được, tiếc rằng chí chưa thỏa mà thân đã chết, lòng trung ái ấy tỏ rõ ở tờ biểu để lại: Trẫm xem biểu không ngờ nước mắt chứa chan”. Thi hài cụ Nguyễn Tường Vân được đưa từ kinh đô Huế về an táng tại làng La Vân, tổng Quảng Hòa, phủ Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc thôn Xuân Tây, xã Đại Tân). Theo các vị cao niên, do tên làng trùng với tên của người quá cố nên La Vân được triều đình ân đổi thành Phú Xuân. Điều này thể hiện ở hai câu đối lưu truyền qua nhiều thế hệ:
Nhân kiệt khai cơ, La Vân xã
Địa linh ân tứ, Phú Xuân hương.
Tạm dịch nghĩa:
Bởi lòng hào kiệt của con người đã khai khẩn đất đai lập nên xã La Vân;
Nhờ cuộc đất linh hiển mà được vua ban ơn đổi tên thành làng Phú Xuân.
La Vân- Phú Xuân có phải “địa linh” không thì chưa rõ nhưng có một thực tế là sau 16 năm kể từ ngày cụ Nguyễn “về” với làng, người con trai trưởng Nguyễn Tường Vĩnh đỗ Phó bảng (khoa Mâụ Tuất- 1838). 4 năm sau, người con thứ (cùng cha khác mẹ) Nguyễn Tường Phổ đỗ Tiến sĩ Tam giáp (khoa Nhâm Dần- 1842), từng làm Tri phủ Hoằng An, Tri phủ Tân An, Quyền Đốc học Quảng Nam, Tri phủ Cẩm Giàng, Đốc học Hải Dương.
La Vân- Phú Xuân, mảnh đất được bồi tụ bởi phù sa của dòng sông lớn Thu Bồn- còn là nơi chôn nhau, cắt rốn của một nhà thơ có tên tuổi trên thi đàn nước nhà trong thế kỷ XX. Đó là Trinh Đường. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông là thành viên Ban chỉ huy khởi nghĩa giành chính quyền của Tổng Quảng Hòa và được cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban Cách mạng Tổng Quảng Hòa. Trinh Đường là một trong những người sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957). Trinh Đường một lòng nặng nợ với quê hương. Những năm cuối đời, ông chuyển về sinh sống ở làng Cổ Nhuế, ngoại thành Hà Nội. Trước cửa nhà có 3 chữ "La Vân Hiên", nghĩa là ông coi cái nhà của mình như là một mái hiên của làng La Vân yêu dấu mà ông từng nhớ thương quặn lòng. Cuối cùng, sau gần nửa thế kỷ xa cách, nhà thơ Trinh Đường cũng đã được “về” yên giấc nghìn thu tại chính mảnh đất quê mình- thôn Xuân Nam, xã Đại Thắng.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, làng Phú Xuân là “địa chỉ đỏ” gắn liền lịch sử Đảng bộ huyện Đại Lộc. Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, tháng 7-1967, cơ quan Huyện ủy Đại Lộc chuyển từ thôn An Chánh, xã Lộc Thành (nay là thôn An Chánh, xã Đại Tân) đến thôn Phú Xuân, xã Lộc Quý (nay là thôn Phú Xuân, xã Đại Thắng). Khu vực này tiếp giáp địa đạo Phú An - Phú Xuân. Tại đây, Huyện ủy Đại Lộc đã tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân toàn huyện đánh bại âm mưu càn quét, bình định, xúc tác dân của địch, nhất là đẩy lùi cuộc càn của Trung đoàn 51 (từ ngày 14 đến 16-7-1967) và cuộc càn dài ngày của quân Mỹ tại vùng B vào tháng 11 năm 1967. Bên cạnh đó, Huyện ủy kiên trì chỉ đạo thực hiện cuộc vận động “ba bám” (cán bộ bám dân, dân bám đất, du kích bám đánh địch), bảo vệ vùng giải phóng, làm chỗ dựa cho bộ đội, du kích kiên cường đánh địch, chuẩn bị và tổ chức cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, góp phần làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ. Năm 2015, Đảng bộ và nhân dân huyện Đại Lộc đã dựng bia di tích nơi làm việc của Huyện ủy Đại Lộc tại thôn Xuân Đông, nay là thôn Phú Xuân.