CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:25/11/2024

TRƯỜNG TIỂU HỌC MỸ HÒA NGÀY ẤY

TRƯỜNG TIỂU HỌC MỸ HÒA NGÀY ẤY

                                                                                                                Vân Trình

     Dù không tồn tại nữa nhưng trường Tiểu học Mỹ Hòa xưa luôn là địa chỉ văn hóa và cách mạng của huyện Đại Lộc và tỉnh Quảng Nam. Nơi đây đã góp phần nâng cao dân trí cho hàng ngàn người. Đặc biệt, là cái nôi của phong trào Cách mạng vùng Tây Bắc tỉnh Quảng Nam trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Nhiều học sinh  của trường Mỹ Hòa đã trở thành những nhân vật nổi tiếng như Lê Thị Xuyến, Huỳnh Ngọc Huệ, Nguyễn Xuân Hữu, Võ Quảng, Lưu Quý Kỳ…mà tên tuổi đã làm rạng danh nước Việt và đất Quảng.

     Trường Tiểu học Mỹ Hòa xưa tọa lạc ở đầu thôn Hòa Thạch, nay là thôn 2, xã Đại Hòa, được chế độ phong kiến xây dựng vào những năm 1922- 1923. Đây là trường học đầu tiên không riêng cho huyện Đại Lộc mà chung cho nhiều xã ở phía tây các huyện lân cận như: Duy Xuyên, Điện Bàn và Hòa Vang của tỉnh Quảng Nam lúc bấy giờ. 

Theo ông Lê Luận, cựu học sinh của trường, nguyên là Phó Bí thư Huyện ủy Đại Lộc, lúc đầu trường chỉ có một dãy ba phòng bằng gạch lợp ngói, một dãy hai phòng bằng tranh tre. Mãi gần 20 năm sau, mới xây dựng thêm một dãy hai phòng cũng bằng gạch ngói đối diện với dãy đầu tiên, thay thế cho các phòng tranh tre ban đầu. Trường được bao quanh bởi bốn bức tường bằng gạch vôi, mỗi bề hơn 100 mét. Cổng trường nhìn về hướng Bắc. Trong sân trường có sáu cây phượng vĩ, hai cây gòn cao to và môt cây me tây cành lá sum suê, che mát quanh năm. Giờ ra chơi, học sinh ngồi dưới gốc cây học bài, tán gẫu hoặc đá cầu, đánh bi hoặc u tây và cũng là nơi cho học sinh tập thể dục vào mỗi buổi chiều.

     Các vị Hiệu trưởng ban đầu là các ông: Trần Nhẫn, Trương Tri, Nguyễn Đình Thống. Giáo viên của trường là các thầy: Trần Quang Duyệt, Trương Thế Sáng, Trần Quang Hiển, Nguyễn Văn Huy, Trương Đình Nghĩa, Trần Thuyên và Phan Xuân Cáo. Nhiều người nguyên là học sinh trường Mỹ Hòa sau khi thi đỗ trường sư phạm đã về dạy lại trường như các thầy Quách Xân, Nguyễn Lân. Lương tâm, trách nhiệm nghề nghiệp và sự tận tâm đào tạo nhân tài cho đất nước của các thầy rất cao, là điểm son cho ngành giáo dục tỉnh Quảng Nam thời bấy giờ. Đặc biệt, giờ học Sử ký từ lớp Năm đến lớp Nhất (nay là lớp Một đến lớp Năm) được các thầy giảng rất kỹ, luôn đề cao ý chí quật cường, bất khuất của dân tộc, một nhân tố quyết định để chiến thắng giặc ngoại xâm. Điều đó phần nào đã hun đúc được tinh thần yêu nước của học sinh.

     Trường tiểu học Mỹ Hòa nổi tiếng là nơi dạy giỏi, học giỏi của tỉnh Quảng Nam trước Cách mạng Tháng Tám (1945). Năm nào trường cũng có học sinh đỗ Thủ khoa hoặc hạng hai, hạng ba trong kì thi Tiểu học của tỉnh tại Hội An. Trường cũng là nơi sớm tiếp thu ánh sáng Cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin qua sự truyền bá của các đồng chí: Nguyễn Đức Thiệu, Nguyễn Soạn…Những hạt giống cách mạng đầu tiên này của huyện, qua quan hệ bà con hoặc thân quen đã tuyên truyền rỉ tai vào số học sinh lớn tuổi như Huỳnh Ngọc Huệ, Võ Quảng, Trần Tống, Hồ Phước Hậu, Lưu Quý Kỳ…Sự giác ngộ cách mạng của những học sinh lớp lớn dần dần được lan truyền sang nhiều học sinh trẻ tuổi khác như: Bùi Thương, Ngô Quang Tám, Phạm Khoa, Trương Kim Ẩn, Hứa Toản, Trương Trịnh, Đặng Khiết, Đặng Hòa, Đỗ Ngọc Mai, Trần Hồng Chu, Trần Hãn, Trương Quang Lạc, Lương Văn Lý,  Hồ Phước Tâm, Trương Chấn. Đó là những học sinh hăng hái, sôi nổi nhất được tập hợp vào tổ chức “Thanh niên phản đế” ở trường Mỹ Hòa. Từ những năm 1933 trở đi, hằng năm cứ vào ngày 01.5, cờ đỏ búa liềm đều xuất hiện ở trường Mỹ Hòa, tiệm ươm Giao Thủy cùng với truyền đơn có nội dung: “Đánh đổ thực dân Pháp và tay sai phong kiến Nam triều!”, “Đông Dương hoàn toàn độc lập muôn năm!”. Ngoài việc tuyên truyền gây ảnh hưởng và tập hợp lực lượng để tổ chức thành đội ngũ, trong năm 1937 tổ chức thanh niên dân chủ trường Mỹ Hòa đã tuyên truyền, phân phát truyền đơn vận động cho ông Phan Thanh trúng cử vào Viện dân biểu Trung Kỳ, đánh bại đối thủ có thế lực được chính quyền Nam triều phong kiến đưa ra là Nguyễn Quốc Túy. Đêm 30-5-1939, được sự chỉ đạo của chi bộ Đảng tổng Mỹ Hòa, Đoàn thanh niên Dân chủ của trường đã tổ chức trọng thể lễ truy điệu nhà cách mạng Phan Thanh. Tiếp sau đó, chính quyền Nam triều phong kiến tổ chức bầu người thay thế ông Phan Thanh. Và trong việc đắc cử của ông Đặng Thai Mai, áp đảo đối thủ Lê Huân do tổng đốc Ngô Đình Khôi đưa ra, cũng có sự đóng góp lớn của Đoàn Thanh niên Dân chủ cùng số học sinh tiến bộ của trường Mỹ Hòa trong việc tuyên truyền, vận động. Cũng tại trường Tiểu học Mỹ Hòa, từ sau ngày Nhật đảo chính Pháp 9-3-1945 đến ngày Tổng khởi nghĩa, nhiều buổi tuyên truyền và nhiều buổi kịch do các đồng chí Trần Đình Tri, Lưu Quý Kỳ, Trương Nhi, Khương Hữu Chí đứng ra tổ chức, người xem đến chật cả sân trường.

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất