CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:28/09/2024

NHỮNG NÉT MỚI TRONG PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP VĂN HÓA, THỂ THAO Ở ĐẠI LỘC.

KỶ NIỆM 74 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG

 NGÀNH VĂN HÓA- THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

(28/8/1945 – 28/8/2019)  

 

NHỮNG NÉT MỚI TRONG PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP VĂN HÓA, THỂ THAO Ở ĐẠI LỘC.

          Phát triển sự nghiệp vǎn hóa, thể thao là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của huyện Đại Lộc trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Trên cơ sở quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao của UBND tỉnh Quảng Nam đến năm 2020 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Đại Lộc lần thứ XXI, UBND huyện Đại Lộc đã ban hành Đề án phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao trên địa bàn huyện Đại Lộc giai đoạn 2016 – 2021. Thực hiện Đề án trên, sự nghiệp văn hóa, thể thao trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến mới đáng ghi nhận.

          Trước hết, phải kể đến sự đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, cổ động trực quan. Ba năm qua, công tác tuyên truyền, cổ động trực quan đảm bảo phục vụ yêu cầu nhiệm vụ chính trị và chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của đất nước và quê hương, nhất là kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Hà Vy, 80 năm ngày thành lập Đảng bộ huyện Đại Lộc, 110 năm Phong trào chống sưu, thuế ở Quảng Nam và miền Trung, 45 năm Chiến thắng Thượng Đức,…Đáng chú ý là hệ thống cơ sở vật chất cổ động trực quan được đầu tư hiện đại và đồng bộ hơn trước. Đã đầu tư xây dựng 4 cụm pa-nô chiến lược trên tuyến Quốc lộ 14B và ĐT 609;  64 trụ treo Pano, băng-rôn; 2 cổng điện hoa, 5 cổng đèn Led và làm mới hệ thống pa-nô trên các tuyến đường Hùng Vương, Nguyễn Tất Thành (thị trấn Ái Nghĩa) và khu trung tâm một số địa phương. Thực hiện tốt xã hội hóa trong công tác tuyên truyền kết hợp với quảng bá thương mại nhằm tiết kiệm chi phí tuyên truyền và góp phần phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Cơ sở vật chất các Đài Truyền thanh cơ sở thường xuyên được sửa chữa nâng cấp và đầu tư mới đảm bảo cho công tác truyền thanh tại các xã, thị trấn.

          Hằng năm, các hoạt động văn hóa-văn nghệ được tổ chức có chất lượng. Đã duy trì xuất bản Đặc san Xuân Đại Lộc; tổ chức đêm thơ Nguyên tiêu hằng năm (riêng năm 2016 huyện Đại Lộc phối hợp với Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ XIV tại Đền Tưởng niệm Trường An). Bên cạnh đó, còn tổ chức thành công Cuộc thi thiết kế Biểu trưng (logo) Đại Lộc; Hội thi “Tiếng hát Thiếu nhi”, Hội thi “Giọng hát hay”, Liên hoan “Tiếng hát CNVC-LĐ”, Liên hoan nghệ thuật quần chúng thôn, khu phố văn hóa, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ hội Bà Phường Chào (xã Đại Cường), Ngày hội văn hóa - thể thao thanh niên-công nhân…Hoạt động thư viện và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng được quan tâm hơn. Đã tổ chức tốt Ngày hội sách huyện Đại Lộc trong các năm 2017 và 2019; phát động Cuộc vận động “Mỗi người dân đóng góp một cuốn sách cho thư viện xã, thôn”.

Đ/c Nguyễn Hữu Vũ - UVBTV- P.CT Thường trực UBND huyện tặng hoa chúc mừng đêm thơ nguyên tiêu năm 2019         

          Công tác khôi phục và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể và vật thể được chú trọng. Đã hoàn thành việc kiểm kê các loại hình Di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện, tập trung xây dựng Lễ hội Bà Phường Chào (Đại Cường) thành Lễ hội đặc trưng của huyện Đại Lộc. Lễ hội này đang được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tổ chức phát động sưu tầm, hiến tặng các hiện vật, cổ vật văn hóa-lịch sử giai đoạn 2016 - 2020 ở 18/18 xã, thị trấn để trưng bày phục vụ giáo dục truyền thống. Huyện Đại Lộc còn phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các lớp dạy đàn hát dân ca cho các xã xây dựng nông thôn mới và đưa dân ca vào giảng dạy ở trường THPT Mỹ Hòa theo Chương trình “Sân khấu học đường”. Công tác khảo sát, lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhận di tích quốc gia và cấp tỉnh được thực hiện có hiệu quả. Đã có thêm 2 di tích Địa điểm khởi phát Phong trào chống sưu, thuế năm 1908 ở miền Trung được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử quốc gia; 6 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, nâng tổng số di tích trên địa bàn huyện lên29 di tích, trong đó có 4 di tích cấp quốc gia. Tổ chức biên soạn và phát hành tập sách Nơi hai dòng sông chảy qua (viết về địa danh, di tích văn hóa-lịch sử, thắng cảnh huyện Đại Lộc). Hoàn thành trùng tu Nhà lưu niệm nơi thành lập Đảng bộ huyện (kinh phí 4,2 tỷ đồng) vào năm 2017; trùng tu Đền Tưởng niệm Trường An (kinh phí 18 tỷ đồng) trong các năm 2018 - 2019; hoàn thành việc xây dựng công trình Khu tưởng niệm Phong trào chống sưu, thuế năm 1908 ở Quảng Nam và miền Trung (kinh phí 2 tỷ đồng). Đồng thời, thực hiện tu bổ 4 di tích và xây dựng 5 bia di tích cấp tỉnh với kinh phí trên 2 tỷ đồng.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện cắt băng khánh thành trùng tu Đền Tưởng niệm Trường An

          Ba năm qua, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” trên địa bàn huyện tiếp tục có những chuyển biến tích cực theo hướng tập trung vào thực chất, hiệu quả. Các nội dung Phong trào gắn chặt và tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội; khơi dậy truyền thống yêu quê hương, đất nước; tình làng, nghĩa xóm, tính cố kết cộng đồng, dòng họ ngày càng được bền chặt; góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người, củng cố nền tảng đạo đức xã hội và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Huyện Đại Lộc được tỉnh đánh giá cao về thực hiện tốt chủ trương “Không rắc vàng mã, rải tiền nước ngoài, tiền Việt Nam trên đường đưa tang”. Bên cạnh việc tổ chức tốt Hội nghị tổng kết Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”hằng năm, UBND huyện còn tổ chức Tọa đàm “Không rắc vàng mã, rải tiền nước ngoài, tiền Việt Nam trên đường đưa tang- Nhận thức và hành động”; Tọa đàm về “Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng xây dựng Tộc văn hóa”; Tọa đàm “Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm VH-TT xã, Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn”. Tính đến cuối năm 2018, toàn huyện có có 36.908 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ: 92,22%; có 102 thôn, khu phố đạt danh hiệu văn hóa, đạt tỷ lệ: 90,2%; có 9/18 xã, thị trấn đạt danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” đạt tỷ lệ: 50%; có 36,9 % sốtộc được công nhận tộc văn hóa; 96,27% số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.

          Trên lĩnh vực thể thao, hằng năm, UBND huyện đã chỉ đạo tổ chức có chất lượng các giải thi đấu cấp huyện, nhất là Giải đua thuyền truyền thống đầu Xuân, cầu lông, bóng đá, cờ tướng…  Cử lực lượng vận động viên tham gia thi đấu một số giải, hội thi thể thao của tỉnh, Đại hội TDTT tỉnh lần thứ VIII đạt thành tích cao, nhất là các môn: Võ cổ truyền, Điền kinh, Cờ tướng, Việt dã, Bóng đá,…. Năm 2016, đã chỉ đạo tổ chức tốt Đại hội TDTT cấp cơ sở và năm 2017, tổ chức thành công Đại hội TDTT huyện Đại Lộc lần thứ VIII, được Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen về tổ chức tốt Đại hội TDTT cấp huyện. Phong trào TDTT quần chúng tiếp tục được chỉ đạo phát triển mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân gắn với thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” trên địa bàn huyện giai đoạn 2013-2020. Đáng ghi nhận là toàn huyện đã tổ chức tốt Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân hằng năm; tổ chức Lễ phát động bơi phòng, chống đuối nước; tổ chức tập huấn bơi an toàn phòng, chống đuối nước năm 2019; thành lập nhiều câu lạc bộ thể thao, nhất là ở các bộ môn: cầu lông, cờ tướng, đua thuyền…Mở được một số lớp năng khiếu thể thao nhằm phục vụ cho việc phát triển thể thao thành tích cao. Đến cuối năm 2018, tỷ lệ số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 24%; tỷ lệ số gia đình thể thao đạt 17,5%; tỷ lệ số trường học đảm bảo giáo dục thể chất có chất lượng: 100%; tỷ lệ số trường học hoạt động ngoại khóa thường xuyên: 90%.

Lễ khai mạc Đại hội Thể dục - Thể thao huyện Đại Lộc năm 2017

          Những kết quả đạt được trong phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao luôn gắn liền với việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, thể thao. UBND huyện đã kịp thời ban hành văn bản chấn chỉnh những sai phạm, nhất là trong tổ chức các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật quần chúng, các giải thể thao quần chúng; việc sử dụng thiết bị âm thanh di động (loa kéo); công tác tuyên truyền cổ động trực quan và quảng cáo....Thường xuyên chỉ đạo kiện toàn, củng cố Đội Kiểm tra Liên ngành huyện, xã, thị trấn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, đảm bảo các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa - thể thao đúng theo các quy định của pháp luật. Bên cạnh việc thành lập Trung tâm Văn hóa – Thể thao cấp xã, cuối năm 2018, đã tổ chức sáp nhập Trung tâm Văn hoá – Thể thao và Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện thành Trung tâm Văn hoá – Thể thao và Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện.

          Có thể khẳng định, qua 3 năm thực hiện Đề án phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao trên địa bàn huyện Đại Lộc giai đoạn 2016 – 2021, đã góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI), hướng mọi hoạt động văn hóa, thể thao vào việc xây dựng con người phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo; tạo mọi điều kiện nâng cao mức hưởng thụ và tham gia hoạt động giao lưu hợp tác, sáng tạo văn hóa nhằm phục vụ đắc lực cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

                                                                       Vân Trình

 

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất