-
Lãnh đạo tỉnh thăm Nhà giáo ưu tú Đỗ Xuân Thưởng - 2024-11-22
Hôm nay:24/11/2024
“Ngày Chủ nhật đỏ” là một trong số hoạt động của Hội Chữ thập đỏ huyện Đại Lộc vì cộng đồng. Qua hoạt động này, địa phương đã huy động được một lượng lớn đơn vị máu giúp nhiều bệnh nhân qua cơn nguy kịch.
Từ những đợt phát động “Ngày Chủ nhật đỏ”, “Lễ hội Xuân hồng”, “Ngày hội hiến máu tình nguyện”, theo thời gian, phong trào hiến máu tình nguyện ở Đại Lộc ngày càng phát triển sâu rộng, có sức lan tỏa, thu hút đông đảo đối tượng, thành phần trên địa bàn huyện. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân của huyện cũng tích cực tham gia, tạo bước chuyển biến quan trọng trong nhận thức của người dân. Từ năm 2010 đến đầu năm 2015, Hội Chữ thập đỏ huyện đã vận động được trên 10.000 lượt người tham gia với hơn 4.000 đơn vị máu. Số lượng người đăng ký hiến máu năm sau cao hơn năm trước.
Rất đông người dân xã Đại Cường tham gia hiến máu. Ảnh: H.Y |
Ngân hàng máu sống
Vừa qua, tại UBND xã Đại Cường, Hội Chữ thập đỏ huyện Đại Lộc tổ chức ngày hội hiến máu nhân đạo. Đây là đợt hiến máu tình nguyện đầu tiên trong năm nay ở huyện Đại Lộc. Đợt này thu hút hơn 500 người là nhân dân các xã vùng B và 2 xã vùng C là Đại An và Đại Hòa tình nguyện tham gia, hiến 232 đơn vị máu, vượt hơn 80 đơn vị so với kế hoạch. Cách đây 10 năm, ở Đại Lộc việc người dân hiến máu rất hiếm. Hội Chữ thập đỏ huyện phát động phong trào hiến máu cứu người, giao chỉ tiêu mỗi địa phương 30 đơn vị máu/năm nhưng cũng khó mà đạt được. Còn bây giờ, ngày hiến máu tình nguyện trở thành ngày hội của người dân. Tại trụ sở UBND xã Đại Cường, kín người đi đăng ký hiến máu, người dân í ới hỏi nhau có được hiến máu hay không. Anh Dương Minh Thảo (25 tuổi, xã Đại An) cho biết: “Nghe thôn, xã phát động đi hiến máu, lần đầu mình đi hiến cũng hơi sợ, nhưng lấy xong máu, mình cảm thấy rất vui vì có thể giọt máu của mình cứu sống được mạng người. Nếu có đợt sau mình nhất định sẽ tiếp tục đi hiến”. Bà Nguyễn Thị Kim Liên (55 tuổi, thôn Ô Gia Nam, xã Đại Cường) hớt hải chạy đi lấy tờ đơn đăng ký hiến máu vì là người cuối cùng. Bà chia sẻ: “Tôi hiến máu được 5 lần rồi, việc hiến máu này quá ý nghĩa nên từ khi hiểu biết được việc làm này, năm nào tôi cũng hăng hái tham gia. Việc làm ý nghĩa này sao mình không làm cho được chứ, ăn chay, thắp hương cũng không bằng cho đi giọt máu của mình để cứu người trong giờ phút người ta cần mình. Đang lỡ dở công việc ngoài chợ tôi phải chạy về đây cho kịp để hiến đấy, còn sức khỏe thì tôi còn hiến. Mà hiến rồi thấy mình càng ngày càng khỏe ra đấy chứ”.
Đại Cường là xã đi đầu trong phong trào hiến máu tình nguyện. Toàn xã có hàng chục trường hợp cho máu đến lần thứ 15 như chị Lê Thị Hà, Nguyễn Thị Hại, ông Trần Rê… Là người nhiều năm tham gia phong trào hiến máu tình nguyện, anh Đỗ Minh Trường (thôn Ô Gia Nam) đã có tới hơn 20 lần cho máu. Bất kể đêm hôm hay mưa gió, nếu có người cần giúp là anh đi ngay. Hiện nay anh là cán bộ chủ chốt trong câu lạc bộ “Ngân hàng máu sống” xã Đại Cường. Trong 5 năm qua, ngân hàng máu sống của huyện đã cung cấp hàng trăm đơn vị máu tươi cho bệnh viện các tuyến huyện, tỉnh, góp phần cứu sống những trường hợp bệnh nhân đang trong cơn nguy kịch. Hầu hết thành viên của ngân hàng máu sống đều luôn trong tư thế sẵn sàng, họ không quản ngại khó khăn, có mặt kịp thời để hiến máu cứu người. Riêng năm 2014, huyện Đại Lộc vận động được hơn 900 đơn vị máu, vượt chỉ tiêu của tỉnh giao là 246 đơn vị.
Lan tỏa phong trào
“Giờ đây hoạt động hiến máu đã lan rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, nghĩa cử hiến máu đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân, do vậy mỗi lần có đợt hiến máu tình nguyện người dân tự giác đến, số lượng ngày một đông hơn”. (Ông Thái Văn Quang – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Đại Lộc) |
Công tác tuyên truyền vận động hiến máu tình nguyện được huyện Đại Lộc rất quan tâm. Ông Thái Văn Quang – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện cho biết: “Với phương châm “hiến máu cứu người bắt đầu từ các nhà quản lý, cán bộ công chức, lực lượng vũ trang các cấp…., đã tác động mạnh đến công tác tuyên truyền vận động. Giờ đây hoạt động hiến máu đã lan rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, nghĩa cử hiến máu đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân, do vậy mỗi lần có đợt hiến máu tình nguyện người dân tự giác đến, số lượng ngày một đông hơn. Cứ gần tới ngày là chúng tôi cho xe lưu động đi tuyên truyền để người dân biết ngày giờ đến tham gia”. Hiện nay toàn huyện đã thành lập được 5 câu lạc bộ ngân hàng máu sống tại xã Đại Cường, Đại Quang, Đại Hồng, Đại Hiệp và thị trấn Ái Nghĩa với hơn 200 thành viên tham gia thường xuyên.
Thạc sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Phó khoa Huyết học - truyền máu (Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam) cho biết, Đại Lộc là một trong các địa phương đóng góp nhiều đơn vị máu cho bệnh viện. Cũng như mọi đợt, số lượng người tham gia hiến máu đợt này khá đông. Người dân nhiệt tình, họ đi hiến giống như một phần trách nhiệm của họ đối với xã hội. Có những người lớn tuổi, không dưới 25 lần hiến máu. “Giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại, họ đã nghĩ như thế mà tận tâm với phong trào. Nhu cầu máu ở bệnh viện rất lớn, từ những đóng góp nhỏ của từng cá nhân, gia đình đến tổ chức xã hội..., sẽ làm cho phong trào hiến máu tình nguyện trở thành một hoạt động lớn mạnh, sẻ chia vì cộng đồng. Sẽ có nhiều hơn nữa trường hợp bệnh hiểm nghèo vượt qua cơn nguy kịch” - ThS. Tuấn nói.
HOÀNG YÊN