Truyền hình Đại Lộc

Đưa biển đảo vào trường học

Để việc tuyên truyền, giáo dục tình yêu biển đảo cho học sinh đạt hiệu quả, Trường Tiểu học Nguyễn Đức Thiệu (thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc) đã áp dụng nhiều mô hình cách làm hay, phù hợp với lứa tuổi.

Trực quan

Ngày 13.4.2015, Trường Tiểu học Nguyễn Đức Thiệu tổ chức cho học sinh nhà trường tham gia buổi sinh hoạt chuyên đề “Giáo dục biển đảo và lồng ghép để giáo dục biển đảo cho học sinh qua các môn học”. Dự buổi sinh hoạt chuyên đề còn có nhiều giáo viên ở các trường tiểu học trên địa bàn huyện và cán bộ Phòng GD-ĐT huyện Đại Lộc. Lướt nhanh qua không gian tổ chức sinh hoạt, chúng tôi ấn tượng ngay bởi tranh ảnh, các mô hình biển đảo tuyên truyền trực quan sinh động. Đi vào sinh hoạt, các em học sinh được chia từng nhóm nhỏ, mỗi nhóm 4 em ngồi với nhau thảo luận từng vấn đề mà cô giáo hướng dẫn gợi ý. Hôm nay, chuyên đề đặt ra cho các em thảo luận là: Địa lý biển đảo Việt Nam.

Sau khi nghe gợi ý của cô giáo, các em say sưa trao đổi, thảo luận. Những vấn đề nào chưa chắc, các em được cô giáo giải thích ngay tại chỗ. Thời gian thảo luận kết thúc, các nhóm bước vào trả lời câu hỏi của cô giáo. “Bây giờ các em cho cô biết, ở Quảng Nam mình có đảo nào?” - cô giáo hỏi. Một học sinh giơ tay xin phát biểu: “Thưa cô, đó là đảo Cù Lao Chàm ạ”. “Vậy đảo này nổi tiếng với nghề gì em biết không?” - cô giáo tiếp tục đặt câu hỏi. “Dạ thưa cô, Cù Lao Chàm nổi tiếng với nghề khai thác tổ yến cô ạ” - em học sinh tiếp tục trả lời. Sau đó, những học sinh đã trả lời câu hỏi được mời lên bục để trình bày thêm một số thông tin về đảo, quần đảo mà mình đã tìm hiểu.

Bằng những câu hỏi ngắn, kèm những hình ảnh trực quan qua máy chiếu, tham gia sinh hoạt chuyên đề, cô giáo cùng học sinh lần lượt tìm hiểu vị trí địa lý và một số đặc điểm chính của những đảo nổi tiếng ở nước ta như Lý Sơn (Quảng Ngãi), quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng), quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), Cát Bà (Hải Phòng)… Cô Nguyễn Thị Kim Đính - giáo viên hướng dẫn buổi sinh hoạt chuyên đề cho biết: “Đối với học sinh tiểu học, mình phải áp dụng những phương thức có sự tương tác cao, đặc biệt là cần có hình ảnh, mô hình liên quan để các em dễ hiểu, dễ nắm bắt. Tôi không hề gặp khó khăn khi xây dựng bộ khung cho buổi chuyên đề này, vì trước đó chúng tôi cũng đã lồng ghép dạy cho các em về biển đảo thông qua nhiều môn học, kiểu mưa dầm thấm lâu” - cô Đính chia sẻ.

Sinh động sa bàn

Ngay sau khi kết thúc phần thảo luận thông tin, học sinh được cô Nguyễn Thị Kim Đính đưa ra sân trường; ở đó có sa bàn (mô hình thu nhỏ) về biển đảo Việt Nam. Sa bàn này có diện tích khoảng 100m2, được xây dựng trong khuôn viên nhà trường vào cuối tháng 11.2014. Sa bàn như một bức tranh thu nhỏ về biển đảo Việt Nam với đầy đủ các đảo, quần đảo nằm trong hải phận thuộc chủ quyền của nước ta. Bên cạnh đó là những đảo của các nước bạn, giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về ranh giới hải phận. Nổi bật hơn, trên sa bàn còn có cột mốc chủ quyền biển đảo nước ta ở 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, nhà giàn DK1. Tại sa bàn, cô Đính tổ chức cho học sinh chơi trò làm hướng dẫn viên du lịch ở 3 miền Bắc - Trung - Nam. Em Lê Phan Khánh Linh - học sinh lớp 4 xung phong làm hướng dẫn viên đưa các bạn đến với miền Bắc: “Các bạn ơi, mình cùng đến với đảo Cát Bà ở Hải Phòng nhé. Đây là hòn đảo nằm trong quần đảo Cát Bà gồm có 367 đảo. Hòn đảo này đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới vì có nhiều chủng loại động thực vật khá phong phú”. Vừa nói, Linh vừa chỉ tay về vị trí của đảo Cát Bà. Sau đó, những em học sinh khác tiếp tục đưa bạn của mình đi “du lịch” biển đảo ở 2 miền còn lại. Cô Đính chia sẻ, thông tin học sinh tiếp nhận tại mỗi buổi sinh hoạt chuyên đề dù ít nhưng với cách làm này thì hiệu quả sẽ rất cao. Buổi sinh hoạt chuyên đề kế tiếp, nhà trường sẽ thực hiện chủ đề: Khai thác khoáng sản và dầu khí trên vùng biển Việt Nam.

Ông Đỗ Xuân Thưởng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Đức Thiệu cho biết, từ nhiều năm qua nhà trường đã lồng ghép giáo dục về biển đảo cho học sinh và ấp ủ kế hoạch làm sa bàn để việc tiếp nhận kiến thức về biển đảo của các em thêm sinh động. Với sự trợ sức của các nhà hảo tâm, công trình này đã kịp hoàn thành nhân dịp kỷ niệm 77 năm thành lập Đảng bộ huyện Đại Lộc. Ông Phan Văn An - chuyên viên phụ trách mảng tiểu học Phòng GD-ĐT huyện Đại Lộc cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 25 trường tiểu học. Việc giáo dục về biển đảo cho học sinh tiểu học cũng được nhiều trường quan tâm, song hiệu quả không ấn tượng bằng Trường Tiểu học Nguyễn Đức Thiệu. Ông An nói: “Mô hình Trường Tiểu học Nguyễn Đức Thiệu đang thực hiện rất hay, có tính tương tác cao, giúp học sinh dễ dàng nắm vững kiến thức biển đảo. Cái hay nữa là, thông qua địa lý, cô giáo đã khéo léo lồng ghép lịch sử vào giúp cho nội dung “mềm” hơn. Về cái sa bàn, tôi nghĩ là các trường khác nên học tập và triển khai, nó thật sự hiệu quả và tôi hoàn toàn bất ngờ khi các em nhanh chóng nắm bắt kiến thức sau khi được cô giáo giảng giải”.

XUÂN KHÁNH

twn Are you sure that you want to switch to desktop version?