-
Lãnh đạo tỉnh thăm Nhà giáo ưu tú Đỗ Xuân Thưởng - 2024-11-22
Hôm nay:23/11/2024
40 năm sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đại Lộc đã đoàn kết một lòng, chung tay góp sức xây dựng quê hương, đất nước, đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Nhìn lại chặng đường 40 năm, ông Mai Đình Lự - Bí thư Huyện ủy Đại Lộc chia sẻ:
Bước ra khỏi hai cuộc chiến khốc liệt, quê hương Đại Lộc tiêu điều, xác xơ. Cả huyện lúc bấy giờ có 128 thôn thì có tới 116 thôn bị tàn phá nặng nề, nhiều thôn xóm không còn màu xanh của sự sống. Hơn 15.000 người bị địch giết hại, 2.600 người bị thương tật… là những con số biết nói. Làng mạc, ruộng vườn bị hoang phá, bom mìn sót lại đầy rẫy trên đất này. Rồi nhân dân từ các khu dồn, ly tán nhiều nơi trở về lại quê hương, đưa dân số toàn huyện từ 2.800 người (số bám trụ các thôn xóm) lên 100.562 người, đặt ra hàng loạt các vấn đề về kinh tế - xã hội bức xúc cần phải giải quyết như ăn, ở, bệnh tật, an ninh - trật tự… Trong khi đó, Đảng bộ huyện chỉ còn lại 375 đảng viên, tuy dày dạn kinh nghiệm trong đấu tranh cách mạng, nhưng lúng túng, bất cập về kiến thức quản lý kinh tế, quản lý xã hội…- Thưa ông, đứng trước muôn vàn khó khăn và tổn thất, hậu quả nặng nề của chiến tranh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đại Lộc đã nỗ lực vượt khó, xây dựng quê hương ra sao?
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, với khí thế phấn khởi của những ngày đầu giải phóng, toàn Đảng, toàn dân Đại Lộc đã dồn sức cho các chiến dịch “Tháo gỡ bom mìn”, “Tiếng công đồng cỏ”, “Toàn dân làm thủy lợi”, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ. 10 năm sau Đại thắng mùa xuân năm 1975, Đại Lộc đã để lại những ấn tượng khó quên trong lòng đồng bào cả nước, cả tỉnh với những mùa vàng kỳ diệu trên cánh đồng cao sản Đại Phước (đỉnh cao năng suất lúa của cả nước với 21,6 tấn/ha/3 vụ), điện đã về từ các nhà máy thủy điện Hố Bà Thai (Đại Quang 3), An Định (Đại Đồng), sự ra đời của mô hình nông - lâm - công nghiệp kết hợp ở HTX Đại Đồng 2 (đơn vị được phong danh hiệu Anh hùng lao động năm 1985)… Cả huyện nổi lên những điển hình như: HTX mua bán Đại Minh - con chim đầu đàn của ngành hợp tác xã mua bán trong toàn huyện; xã Đại Thắng - ngọn cờ xây dựng nền quốc phòng toàn dân; xã Đại Lãnh - điển hình về xã có truyền thống hiếu học; Đại Hiệp - điển hình về công tác xây dựng Đảng… Công trình hồ chứa nước Khe Tân, công trình đại thủy nông lớn thứ hai của tỉnh được xây dựng, không chỉ là công trình “đền ơn đáp nghĩa” cho một căn cứ địa cách mạng mà còn giải quyết căn cơ vấn đề khô hạn ở vùng B Đại Lộc…
- Trong thời kỳ hội nhập, đổi mới, Đảng bộ huyện đã không ngừng tôi luyện và phát huy vai trò lãnh đạo, tiên phong như thế nào, thưa ông?
Trước khó khăn, thách thức của nền kinh tế thế giới và trong nước cũng như cuộc đấu tranh tư tưởng gay gắt giữa tư duy cũ với tư duy mới khi chuyển từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo nghị quyết Đảng, đề ra những chủ trương chỉ đạo kịp thời, đúng đắn, có tính đột phá về phát triển kinh tế - xã hội. Ví như Nghị quyết số 06-NQ/HU về “Tăng cường xây dựng và phát triển cơ sở (xã/thị trấn) trong huyện theo yêu cầu tình hình mới” đã tạo ra bước đột phá trong phát triển nông nghiệp, nông thôn ở Đại Lộc, nhất là trên các lĩnh vực: quy hoạch tổng thể theo vùng, phân chia quỹ đất canh tác, giao khoán quỹ đất vòng 1 và tổ chức đấu thầu quỹ đất vòng 2. Hay như chủ trương đổi mới về công tác quản lý trong hợp tác xã nông nghiệp, tổ chức bầu chủ nhiệm HTX theo hình thức tranh cử… Chủ trương “6 hóa”, đề án 01-ĐA/HU của Huyện ủy về chuyển đổi, hoàn thiện mô hình HTX sản xuất - dịch vụ - kinh doanh tổng hợp… đã có tác động, tạo sự chuyển biến, làm thay đổi diện mạo của quê hương. Cùng với đó, hàng loạt nghị quyết, chương trình hành động mang tính thiết thực, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội huyện nhà như: nghị quyết về phát triển nông nghiệp, về phát triển công nghiệp…
- Ông có thể điểm qua một số thành tựu nổi bật của Đại Lộc qua 40 năm?
Từ một huyện thuần nông, Đại Lộc đã gia nhập nhóm các địa phương của Quảng Nam có giá trị sản xuất công nghiệp hằng năm trên 2.000 tỷ đồng. Vượt lên trên những khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế, một số doanh nghiệp lớn vẫn trụ vững và hoạt động ổn định như: Công ty CP Prime Đại Lộc, Công ty TNHH Broz-beckert Việt Nam… So với các năm 1997-2002, tổng giá trị sản xuất toàn huyện tăng bình quân 9%/năm thì trong các năm 2010-2015, tốc độ tăng trưởng bình quân 14,51%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng các ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng cơ bản và dịch vụ đạt trên 89% (ước tính đến năm 2015).
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 được huyện tích cực tổ chức thực hiện, nhất là ở 6 xã điểm. Tổng nguồn vốn đầu tư cho chương trình tại Đại Lộc trong 4 năm(2011-2014) đạt trên 130 tỷ đồng, trong đó nhân dân và cộng đồng đã đóng góp 25,5 tỷ đồng. Đáng phấn khởi là xã Đại Hiệp đã được công nhận là xã nông thôn mới năm 2014, phấn đấu trong năm 2015, 5 xã còn lại hướng đến đạt chuẩn.
Lĩnh vực xây dựng cơ bản có những bước phát triển vượt bậc. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản toàn xã hội 5 năm qua đạt 2.052 tỷ đồng, tăng bình quân 9,31%/năm. Nông nghiệp huyện nhà phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, trở thành một trong 85 đơn vị huyện nông nghiệp phát triển nhất nước, giá trị sản xuất tăng bình quân 4,57%/năm. Toàn huyện đã xây dựng được trên 2.800ha đất sản xuất đạt giá trị trên 80 triệu đồng/ha; liên kết bố trí trên 1.200ha đất sản xuất hạt giống lúa lai F1 và lúa thuần các loại. 36 cánh đồng mẫu với diện tích hằng năm trên 1.434ha được bố trí xây dựng…
- Định hướng của huyện trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, thưa ông?
Thứ nhất là chú trọng phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ và du lịch, coi đây là động lực của tăng trưởng và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Thứ hai, phát triển đồng bộ cả đô thị và nông thôn. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, Đại Lộc tập trung xây dựng hệ thống đô thị thành vùng động lực phát triển, tương xứng với tiềm năng và vị thế của một không gian giao lưu kinh tế với các vùng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng, điểm nhấn là đô thị Ái Nghĩa. Cùng với đó, đẩy mạnh Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới 2010-2020. Mục tiêu trọng tâm là xây dựng Đại Lộc trở thành huyện nông thôn mới, thị trấn Ái Nghĩa đạt đô thị loại IV vào năm 2020…
-Xin cảm ơn ông!
Thực hiện : BL