Được viết ngày Thứ bảy, 04 Tháng tư 2015 04:08 Lượt xem: 999
Năm 2014 Sở KH- CN tỉnh đã tổ chức tập huấn tại 50 xã điểm nông thôn mới, trong đó Đại Lộc có 4 xã gồm Đại Hiệp, Đại Cường, Đại Phong và Đại Hồng. Riêng tại xã Đại Phong có 45 hộ nông dân tham gia tập huấn cách sử dụng chế phẩm để ủ men tạo ra phân hữu cơ vi sinh để bón cho cây trồng từ tháng 7/2014 đến nay có đến trên 50 % số hộ đã triển khai thực hiện mô hình.
Theo đánh giá việc triển khai thực hiện mô hình bước đầu đem lại hiệu quả khá cao. Các loại rau, củ, quả như cà chua, bắp, bí, đậu sinh trưởng nhanh, năng suất cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn (so với cây trồng chỉ bón đơn thuần bằng phân hóa học hoặc phân tươi không qua ủ)…Gia đình ông Trần Ngưu, nông dân thôn Mỹ Tây, xã Đại Phong có diện tích khoảng gần 1000m2 được ông tận dụng trồng nhiều loại cây như rau, gia vị, khổ qua, dưa leo, bí đao, … và một số đậu cô ve. Theo ông cho biết việc bón phân hữu cơ vi sinh giúp cho cây có màu xanh đẹp hơn, năng suất đạt hơn, đặc biệt là qua vài vụ canh tác nhưng đất vẫn tơi xốp, ông có thể tận dụng xen canh nhiều loại cây.
Việc ứng dụng sản xuất phân hữu cơ vi sinh giúp người nông dân tận dụng được nguồn nguyên liệu phế phẩm trong sản xuất như rơm rạ, vừa tận dụng được khoảng thời gian nhàn rỗi. Đặc biệt phân hữu cơ vi sinh giúp cải tạo nguồn đất, giúp đất tơi xốp hơn và góp phần bảo vệ môi trường. Theo Trung tâm Ứng dụng và thông tin khoa học công nghệ tỉnh Quảng Nam, ưu thế vượt trội của phân hữu cơ vi sinh so với các loại phân khác là không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, động thực vật, môi trường sinh thái và chất lượng nông sản; giá thành rẻ hơn so với dùng phân hóa học; sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, có sẵn. Đây là dự án của Trung tâm Ứng dụng và thông tin khoa học công nghệ Quảng Nam đang được phổ biến rộng rãi đến nông dân sử dụng và hưởng lợi.
Bích Liễu