Hôm nay:22/11/2024
Đã 60 năm trôi qua (1959 - 2019), trong ký ức của những người kháng chiến ở miền Nam nói chung và huyện Đại Lộc nói riêng sẽ không bao giờ quên Nghị quyết mở đường cho phong trào cách mạng. Đó là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II (gọi tắt là Nghị quyết 15) tháng 1/1959 với chủ trương: Dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng.
Khe Cổng (Đại Hồng)- nơi địch bí mật thủ tiêu các đồng chí Xã ủy Đại Hồng tháng 12-1954.
Ngay sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ vừa được ký kết, tháng 8 năm 1954, địch đã lập tức đưa quân đến Đại Lộc đánh phá phong trào cách mạng huyện nhà. Lính của Tiểu đoàn 30 đóng ở Ái Nghĩa kéo đến thôn Phiếm Ái (Đại Nghĩa) ngang nhiên phá phường môn, thu cờ của ta. Đến tháng 9, địch lại đưa Tiểu đoàn 30 cùng bọn tề quận xuống xã Đại Hòa bắt bớ cán bộ, khủng bố phong trào, thiết lập chính quyền. Từ tháng 11, địch liên tiếp gây ra các vụ thảm sát ở Đại Đồng, Đại Lãnh, Đại Minh, Đại Hồng, Đại Nghĩa…Tin tức những cuộc vây ráp, bắn giết trắng trợn, thủ tiêu bí mật hàng loạt xã ủy và cán bộ xã, thôn của ta trong thời gian đầu địch đến tiếp quản, thành lập tề lan truyền gây một không khí lo sợ bao trùm lên toàn huyện. Tình trạng đứt liên lạc giữa xã và huyện, giữa huyện và tỉnh kéo dài.
Từ cuối năm 1955, địch từng bước củng cố, cơ cấu bộ máy hành chính từ quận xuống xã, thôn (ấp). Mỗi xã chia thành nhiều ấp, dưới ấp có các liên gia. Mỗi liên gia có từ 10 đến 15 gia đình, đứng đầu là liên gia trưởng. Địch thường ca tụng: “trên Tổng thống, dưới liên gia” bởi sự hữu hiệu của nó trong việc kìm kẹp dân, o ép dân, chống phá cách mạng. Chúng buộc nhân dân làm căn cước, lập sổ hộ tịch, phân loại gia đình để tiện theo dõi, khủng bố, bắt giam giữ, bắt đi học tập tố Cộng…
Tháng 7/1956, khước từ hiệp thương, tổng tuyển cử, thống nhất nước nhà theo tinh thần Hiệp định Giơ-ne-vơ, Mỹ - Diệm từ “tố Cộng” giai đoạn 1 chuyển sang “tố Cộng” giai đoạn 2, đánh phá phong trào cách mạng một cách khốc liệt hơn. Ở huyện Đại Lộc, địch tổ chức học tập “tố Cộng” đối với các gia đình tình nghi, gia đình có người đi tập kết hoặc thoát ly. Chúng tổ chức 6 trung tâm “Tố Cộng” bắt bớ cán bộ, đảng viên và những gia đình liên quan đi học thành nhiều đợt, chủ trương “đạp lên oán hờn thẳng tay bắn giết, bỏ tù bất cứ ai thuộc diện tình nghi can cứu”… Đi đôi với việc củng cố bộ máy hành chính, địch phát triển mạnh mạng lưới gián điệp, tình báo. Dưới danh nghĩa tổ chức “diệt trừ sốt rét”, các đoàn xịt muỗi sục sạo khắp nơi, khoanh lại từng vùng, từng liên gia để phát hiện dấu vết ăn ở của cán bộ ta bám trụ trong dân. Đợt này, Đại Lộc được địch chọn làm điểm nên bọn chỉ đạo tố Cộng đưa về đây 600 tên công dân vụ. Chúng chia thành từng tốp đóng trong nhà dân, thực hiện “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) để nắm tình hình, mua chuộc gây nghi ngờ trong nội bộ nhân dân; thực hiện ‘dĩ Cộng diệt Cộng”, ly gián Đảng với dân, bắt càn đánh ẩu, tra tấn tại chỗ để răn đe mọi người. Với âm mưu trên, tháng 8/1957, Mỹ- Diệm mở lớp “huấn chính” tố Cộng ở quận Đại Lộc (lúc này đóng tại Đông Lâm, thuộc xã Đại Quang ngày nay), tập trung hơn 300 người do đại diện của Tòa tỉnh Quảng Nam chủ trì, quận trưởng Đại Lộc làm giám thị. Ban ngày chúng lên lớp về “chủ nghĩa nhân vị”, về “cách mạng quốc gia”; ban đêm bắt học viên đứng nghiêm “sám hối” trong 2 tiếng đồng hồ. Một hình thức man rợ của “sám hối” gọi là “tống tà Cộng sản”, làm cho “con ma Cộng sản” thoát ra khỏi thể xác. Những học viên không khai thác được gì, chúng trói lại bỏ vào bao tải, đóng đinh vào người và mang đi thả ở những đoạn sông sâu, nước chảy xiết… Có thể nói, ở Đại Lộc từ năm 1954 đến năm 1959 là khoảng thời gian Đại Lộc bị địch tập trung đánh phá, khủng bố ác liệt nhất; Đảng bộ và phong trào cách mạng của huyện gặp nhiều khó khăn, tổn thất.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, trong những năm đen tối tưởng chừng như không có đường ra ấy, đã xuất hiện nhiều tấm gương anh dũng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tiêu biểu là Bùi Đáo (Lộc Tân- nay là xã Đại Phong), Lương Văn Lý (Lộc Phong- nay là xã Đại An); Lê Dật (Lộc Thành- nay là xã Đại Chánh), Đoàn Nghiên, Phạm Nhẫn (Lộc An- nay là xã Đại Nghĩa)…Bạo lực và tội ác của Mỹ- Diệm đã gây oán hờn chồng chất nhưng theo chỉ thị của trên, từ năm 1954 đến năm 1958, ta chỉ giới hạn trong đấu tranh chính trị. Về sau, việc đi lại, hoạt động khó khăn, cấp trên có trang bị cho cán bộ hoạt động bất hợp pháp một số súng ngắn nhưng chỉ cho phép sử dụng để tự vệ lúc thật cần thiết.
Từ tình hình thực tế ở miền Nam, Đảng ta đã rút ra kết luận xương máu là đối với bè lũ Mỹ- Diệm phát xít và khát máu, nếu chỉ dựa vào pháp lý Hiệp định Giơ-ne-vơ, đấu tranh bằng phương pháp hòa bình để đạt được những mục tiêu của cách mạng là không thể được. Cán bộ, đảng viên và nhân dân ta ngày càng có nguyện vọng muốn được cấp trên cho thay đổi phương pháp đấu tranh.
Tháng 1/1959, Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II họp khẳng định phương hướng của cách mạng miền Nam là: Dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, giành chính quyền về tay nhân dân.
Sau khi có Nghị quyết 15, được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Đảng bộ huyện Đại Lộc đã tích cực xây dựng thực lực, thành lập Đội vũ trang tuyên truyền luồn sâu vào các thôn, ấp, móc nối và tổ chức lại các cơ sở đảng, tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, của Mặt trận, diệt ác ôn, phát động đồng khởi, đấu tranh phá thế kèm kẹp của địch ở cơ sở. Tiêu biểu là vào ngày 28 tháng 1 năm 1960, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, một tổ công tác trực thuộc Ban Quân sự tỉnh do đồng chí Nguyễn Văn Tư chỉ huy với cơ sở bên trong đã đột nhập tận nhà nổ súng diệt tên Chi phó công an Đại Lộc đang phụ trách lớp học tố Cộng tại quận lỵ (Đông Lâm). Đây là trận diệt ác đầu tiên ở Quảng Nam - Đà Nẵng, mở đầu cho việc chuyển hướng hoạt động của ta, từ chỗ đấu tranh chính trị đơn thuần sang kết hợp đấu tranh vũ trang theo tinh thần của Nghị quyết 15 của Đảng. Bị đòn đau, bọn quận đổ hết trách nhiệm lên đầu đại đội 5 canh giữ, bảo vệ quận lỵ, cách chức tên sĩ quan chỉ huy, đẩy cả đại đội này lên núi trấn thủ đồn Ga Lâu- A Tép (Hiên).
“Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay”, ôn lại một thời gian khó ấy để mỗi chúng ta trân trọng quá khứ, vượt qua khó khăn, thử thách, viết tiếp trang sử vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân Đại Lộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thùy Trang