Hôm nay:05/12/2024
Cầu đầu thai là cây cầu qua đó để tái sinh trong cuộc đời khác, với thân phận khác ở thế giới khác. Thực tế nó là cái gì vậy?
Chuyện truyền thuyết thường mô tả thế giới âm phủ. (Tất cả rồi cũng đến đó, dù nhanh hay chậm!). Âm phủ vẫn là cõi tạm, xuống đó rồi đầu thai kiếp khác, và hồn ai cũng đều phải qua sáu cây cầu làm bằng vàng, bạc, ngọc, đá, gạch. Ở chặng cuối có cây cầu trơn trượt bắc qua sông Vong Xuyên đầy thuồng luồng, rắn độc,... Hồn nào đến đó đều hỏi “làm sao” qua được nên có tên Nại Hà kiều. Cây Nại Hà có thể hiểu là cầu làm sao đầu thai, đầu thai làm sao. Kẻ giết người, gian ác phải leo qua cầu, dưới sông đầy thuồng luồng, cá sấu, hai đầu cầu có thêm bầy chó ngao chực chờ quần thảo cắn xé.
Nghe rợn thế, nhưng người trên dương gian có sợ không? Rất nhiều người không sợ, nhất là người Việt thời buổi bây giờ. Bằng chứng đâu? Vô số.
Này nhé, mỗi năm cơ quan chức năng phát hiện hàng ngàn vụ vi phạm vì làm hàng giả, hàng kém chất lượng, trong đó có rất nhiều vụ sử dụng chất cấm trong sản xuất, chăn nuôi. Điển hình là thời gian gần đây, các đoàn thanh tra chuyên ngành của Bộ NN&PTNT liên tiếp phát hiện các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi sử dụng một loại hóa chất mới để phối trộn nhằm “tạo màu” cho thịt gia cầm, có tên gọi là vàng ô. Theo các nhà nghiên cứu chuyên ngành, đây là một loại chất màu thường dùng để quét tường trong xây dựng hoặc nhuộm màu vải. Nó có tính chất cực độc, có thể gây ung thư cực cao nếu động vật, đặc biệt là với con người bị nhiễm nặng. Vậy mà người ta đã phối trộn vàng ô vào thức ăn cho gia cầm như vịt, gà để làm cho mỡ, da và lòng đỏ trứng có một màu vàng bóng, gây bắt mắt người tiêu dùng. Chưa hết, tình trạng sử dụng chất cấm, thuốc độc còn xảy ra rất nhiều trong sản xuất, chế biến. Có nơi thì dùng thuốc trừ cỏ CO 2,4D ngâm ủ trái cây. Một khu vực trồng rau muống nổi tiếng ở vùng ven Sài Gòn sử dụng nhớt xe để tưới cho rau xanh tốt. Giới kinh doanh thủy hải sản râm ran về loại hóa chất hòa tan trong nước để ngâm cá, tôm, mực… làm tăng trọng gấp rưỡi chỉ trong vòng vài giờ, giúp người bán thu lợi lớn. Bộ trưởng ngành nông nghiệp cũng thừa nhận tình trạng sử dụng kháng sinh trong nuôi thủy sản vẫn gia tăng, khiến dư lượng kháng sinh tồn đọng lớn trong cá tôm, tác động xấu đến sức khỏe người tiêu dùng. Và trước tiếng kêu của đại biểu Quốc hội rằng “con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn thế”, ông bộ trưởng đã nói “sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là hành động tội ác, táng tận lương tâm nên cần hình sự hóa”.
Việc đầu độc diễn ra từ cơ sở sản xuất, chế biến, ra chợ búa và đến… tận miệng người tiêu dùng. Cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều loại dầu ăn trôi nổi, không nhãn mác, len lỏi đến các làng quê. Ở các chợ, nhiều người còn sử dụng dầu “nước hai”- dầu đã chiên rán qua nhiều lần, để đóng chai và bán. Những người bán chim quay thường dùng “bột tạo màu” siêu rẻ (6.000 đồng/gói) để tẩm ướp chim. Ăn những thứ đó mà lại lạm dụng bia rượu tràn lan thì không nhiễm độc mới lạ. Mỗi năm người Việt tiêu thụ khoảng 3 tỷ lít bia, tương đương 3 tỷ USD, hơn 3% GDP. Lạm dụng bia rượu rồi đổ bệnh, tâm thần. Có con số thống kê, việc sử dụng rượu bia quá đà gây ra 40 - 60% số vụ tai nạn giao thông, 68% số vụ bạo lực gia đình, 38% số vụ gây rối trật tự công cộng.
Với những ví dụ trên cho thấy người ta đã tìm cách rút ngắn… con đường từ dương gian đến địa ngục. Rồi khi xuống dưới ấy liệu họ có qua được cầu đầu thai? Cũng vẫn truyền thuyết kể, không phải ai cũng được trở lại làm người, nợ kiếp trước phải trả kiếp sau.
“Ăn cơm dương gian kể chuyện âm phủ”, khó tường. Nhưng hình ảnh cầu Nại Hà dường như quán chiếu cõi thực, là một ước mơ để minh định thế giới. Thế giới âm phủ rùng rợn nhưng “minh bạch” vì phân loại được hồn của từng hạng người theo hành vi đạo đức và kèm theo “chế tài” phân biệt đối xử rất rõ. Ngược lại, thế giới người trần mắt thịt từ xưa đến nay thường lẫn lộn và nhào trộn thật - giả, ác - thiện… Phải chăng bậc thức giả từ xưa đã nghĩ phải có gì cảnh tỉnh cho hậu thế sống cho ra người nên đặt chuyện thế giới âm phủ và cầu Nại Hà?
Nguyễn Điện Nam