CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:23/11/2024

Chế tạo máy cày đa năng từ những chiếc xe máy hỏng

Từ chiếc xe máy hư bán phế liệu, người nông dân Lê Tất Dũng (51 tuổi, thôn Phú Lộc, xã Đại An, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) đã chế tạo thành công chiếc máy cày đa năng có thể cày, gieo hạt được dễ dàng…

Về huyện Đại Lộc, chúng tôi được nhiều nông dân giới thiệu về chiếc máy cày đa năng do ông Dũng mày mò chế tạo từ những chiếc xe máy hư hỏng, chỉ còn giá trị bán phế liệu. Ông Hồ Văn Tấn (55 tuổi, trú xã Đại An), phấn khởi bộc bạch: “Lúc trước, tui phải gọi người đưa trâu đến cày 5 sào ruộng mất hai ngày, lại phải đợi cày xong cho các ruộng khác mới đến lượt ruộng mình. Từ ngày mua chiếc mày cày đa năng do ông Dũng chế tạo, tui ngồi điều khiển chạy như lái xe máy trong nửa ngày là xong”…

 

Chiếc máy cày do ông Dũng chế tạo.

Theo sự chỉ dẫn của ông Tấn, chúng tôi tìm đến nhà ông Dũng ở thôn Phú Lộc. Tiếp chúng tôi, ông Dũng cho biết, máy cày đa năng được ông chế tạo chính thức vào tháng 2/2015, sau một lần cải tiến. Đến nay, ông đã bán được mấy chiếc cho nông dân ở các huyện. Ngoài ra, một số nông dân địa phương khác cũng đã tới “đánh tiếng” hỏi thăm chất lượng để đặt mua hàng.

“Tui học chữ đến lớp 9, rồi đi học nghề gò hàn khoảng 15 năm. Năm 2005, tui được mời đi làm giáo viên dạy nghề ở huyện Nam Giang, Quảng Nam. Đến năm 2010, tui nghỉ dạy rồi về quê nhà mở xưởng cơ khí nhỏ để làm nông cụ bán cho bà con trong xã. Cũng chính trong thời gian này, tui thấy nông dân mình còn vất vả quá, mỗi vụ trồng lúa, bắp phải thuê trâu, bò đi cày bừa, tốn tiền bạc lẫn công sức. Trong đầu tui nghĩ, sao mình không sáng tạo một cái gì đó có thể giúp bà con bớt nhọc nhằn. Nhưng, khi đó còn chưa định hình được chế tạo cái máy nó như thế nào cả. Đến năm 2013, tui mới mò mẫm phác thảo được cái mày cày tay rồi bắt đầu chế tạo”, ông Dũng kể.

Theo lời ông Dũng, sau khi có bản phác thảo, ông tìm mua một chiếc xe máy Wave cũ loại 70 phân khối mang về mở hết ra lấy bộ máy, dây xích, vành xe… Ông cặm cụi gò hàn các bộ phận với nhau thành chiếc máy cày tay theo ý mình. Khi đem ra cày thử, thấy chiếc máy cày này còn vụng về, khó sử dụng, lại tốn công sức chẳng khác dùng sức kéo trâu, bò là mấy, nên ông đem đi cải tiến.

Đến tháng 2/2015, một chiếc mày cày hoàn thiện được ông giới thiệu chính thức đến mọi người trong thôn khiến ai cũng trầm trồ khen ngợi “khéo tay, đẹp mắt”. “Tui tận dụng bộ máy xe Wave làm động cơ chính hoạt động. Hai chiếc rân xe phía sau hàn các thanh sắt vào chèn xuống đất để có thể đi mọi địa hình, còn ở phía trước là bánh xe rùa. Bề ngang của máy là khung sắt cỡ 0,4m, lắp ghép vào đuôi là lưỡi cày, hoặc bộ phận gieo hạt tùy mục đích sử dụng. Nếu muốn cày sâu, hoặc nông thì có bộ phận nâng lưỡi cày riêng. Khi không muốn cày, gieo hạt thì nâng lưỡi cày lên chạy trên đường rất gọn gàng”, ông Dũng vui vẻ giải thích. Chi phí để làm xong một chiếc máy cày đa năng này hết 2,5 triệu đồng. Tính tiền công, ông bán ra thị trường mỗi chiếc khoảng 3,2 triệu đồng.

Ông Dũng hơn hở khoe: “Chiếc máy cày đa năng này dùng một lít xăng chạy có thể cày được đến 5 sào ruộng thay cho sức 8 người. Nếu trên thị trường bán mỗi chiếc máy cày cả trăm triệu đồng thì máy cày do tui sáng tạo có thể gieo hạt được, rất khác biệt, lại rẻ gấp nhiều lần nên nông dân rất ưa chuộng...”.

Theo Văn Luận (CAND Online)

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất