CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:23/11/2024

Tàn phá vùng trồng keo tranh chấp

Hàng chục hộ dân trồng keo lá tràm tại khu vực gò Chè - suối Lấm (thôn Tân Đợi, xã Đại Sơn, Đại Lộc) đang bất bình vì rừng keo bị tàn phá. Diện tích đất trồng keo này trước đó từng xảy ra tranh chấp song vụ việc vẫn chưa được ngã ngũ.

Ngang nhiên phá keo

Bức xúc trước một số diện tích keo đang kỳ thu hoạch bị kẻ xấu ngang nhiên đốn hạ, gần 30 hộ dân xã Đại Hồng (Đại Lộc) nhiều ngày qua đã túc trực tại khu vực rừng keo ở gò Chè - suối Lấm (thuộc địa bàn xã Đại Sơn) để bảo vệ. Từ sự phản ảnh của người dân, chúng tôi có mặt tại hiện trường, trực tiếp khảo sát quãng đường rừng trải mấy cây số, nơi một số diện tích keo đang kỳ khai thác đã bị nhóm người lạ đem cưa tàn phá không thương tiếc. Chỉ về những thân keo bị cưa ngã đổ, nằm phơi khô dưới nắng, ông Lê Văn Thạnh (một trong những hộ dân xã Đại Hồng trồng keo khu vực này), xót xa: “Có tới 400 - 500 gốc keo bị cưa đổ, ước tính thiệt hại khoảng 5 triệu đồng, vốn là mồ hôi nước mắt của chúng tôi. Xót của, chúng tôi đã tụ tập lại, yêu cầu họ dừng ngay việc phá keo để nói phải không thì nhóm người này bảo rằng đất và cây rừng này đã được họ mua của người khác rồi, không ai được đụng tới. Khi chúng tôi hỏi lại họ mua của ai, ai đứng tên bán đất rừng này và cả cây của chúng tôi trên đó thì họ không trả lời. Phải quyết liệt lắm, họ mới chịu bỏ đi”. Ông Nguyễn Quỳnh (thôn Hòa Hữu Đông, Đại Hồng) không giấu nỗi bức xúc: “Keo chúng tôi trồng được 5 - 6 năm tuổi, chuẩn bị thu hoạch là nhóm người lạ lân la khu vực này. Hễ thấy chủ buôn đến mua cây hay chỉ cần nghe tiếng máy cưa là nhóm người này lập tức có mặt ngăn cản, dọa nạt”.

Người dân xót xa vì một số diện tích keo bị tàn phá. Ảnh: H.L
Người dân xót xa vì một số diện tích keo bị tàn phá. Ảnh: H.L

Ngày 19.8, ông Võ Lựu (trú thôn Hòa Hữu Tây, Đại Hồng) cùng chủ buôn đã khai thác được vài xe keo, đang vận chuyển keo ra bãi tập kết thì một nhóm người xăm trổ đầy mình lao tới giằng co quyết liệt. Yêu cầu ông và chủ buôn không được đưa keo đi tiêu thụ. Ngoài ra, nhóm người này còn mang máy cưa lốc tiếp tục triệt hạ một số cây keo. “Dù hoảng hốt nhưng tôi cũng kịp nhận diện đi cùng nhóm người này có ông Bùi Ba (tức ông Huỳnh Hữu Vinh), trú xã Đại Lãnh. Ông này nhiều năm nay từng đứng đơn tranh chấp đất rừng với chúng tôi, song lại không có giấy tờ xác đáng” - ông Võ Lựu nói.

Theo nhiều hộ dân trồng keo, toàn bộ diện tích đất rừng rộng hơn 30ha bao bọc ngọn đồi gò Chè và khu vực suối Lấm thuộc xã Đại Sơn này được bà con khai hoang từ năm 1993, bắt đầu trồng trọt từ năm 1997. Sau mấy vụ trồng thơm dứa, tới thời điểm này bà con đã thu hoạch được 2 vụ keo lá tràm và hiện là vụ thứ ba. Giữa nhóm hộ trồng rừng trên và ông Huỳnh Hữu Vinh (ông Bùi Ba) từng xảy ra tranh chấp đất rừng vào khoảng năm 2006. Tại thời điểm tranh chấp, nguyên đơn là ông Huỳnh Hữu Vinh không trình được giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản đất rừng nói trên nên sự việc chưa được giải quyết thấu đáo.

Cầu cứu chính quyền

Sẽ phối hợp giải quyết tranh chấp
Ông Trương Văn Huấn, Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Đại Lộc xác nhận, trước năm 1993, toàn bộ diện tích đất rừng thuộc khu vực gò Chè, suối Lấm là do Lâm trường Đại Lộc quản lý, sau đó bàn giao lại cho xã Đại Sơn. Về sau, người dân Đại Hồng và một số xã lân cận đến phát quang trồng trọt, hiện chưa cá nhân nào được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng. Trước đây, khu vực này đôi lần đã xảy ra tranh chấp và huyện đã giải quyết ổn thỏa. “Vụ việc này, hiện Phòng TN-MT vẫn chưa nhận được đơn phản ánh từ người dân cũng như từ các địa phương. Nếu sự việc phức tạp như phản ánh, Phòng TN-MT sẽ phối hợp giải quyết hợp lý” - ông Huấn nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tuân - Bí thư Đảng ủy xã Đại Sơn xác nhận, xã đã có văn bản triệu tập người dân cũng như hộ tranh chấp là ông Huỳnh Hữu Vinh đến để giải quyết. Tuy nhiên, đây là vụ việc phức tạp, ở phạm vi của xã khó giải quyết triệt để, rốt ráo được. “Khả năng tới đâu, chúng tôi sẽ giải quyết tới đó. Trường hợp không giải quyết được, chúng tôi sẽ báo cáo sự việc lên UBND huyện” - ông Tuân chia sẻ.

Sự việc càng nóng khi mấy chục hộ dân đã đồng loạt ký tên gửi đơn yêu cầu cơ quan chức năng ở xã và huyện giải quyết. “Chúng tôi mong cấp trên can thiệp, xử lý, bảo vệ quyền lợi cho dân nghèo. Chúng tôi sống ở vùng này chẳng có đất ruộng, chỉ có mảnh rừng làm kế sinh nhai, kiểu này thì bà con chúng tôi rất hoang mang. Nếu để lâu, tình hình có thể sẽ trở nên phức tạp hơn. Bà con chúng tôi sẽ chấp hành đúng chủ trương của Nhà nước nhưng trước hành vi cản trở, phá hoại của bất kể ai, chúng tôi cũng sẽ quyết liệt tới cùng để bảo vệ thành quả mồ hôi nước mắt của mình” - chị Thái Thị N.T. (thôn Ngọc Kinh Tây, Đại Hồng) nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Tấn Can - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đại Lộc thông tin, vụ việc tranh chấp đất rừng giữa ông Huỳnh Hữu Vinh và nhóm hộ trên đã diễn ra từ nhiều năm nay. Năm 2012, Hạt Kiểm lâm từng tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo từ ông Vinh. Theo đơn, ông Vinh đề nghị giải quyết vụ một số hộ dân xã Đại Hồng chiếm đoạt tài sản đất rừng của ông tại tiểu khu 80, khu vực gò Chè, suối Lấm (Đại Sơn). Hạt Kiểm lâm đã làm việc với nguyên đơn và các hộ dân cũng như UBND xã Đại Hồng, Đại Sơn. Qua kết quả xác minh và tra cứu văn bản luật, Hạt Kiểm lâm nhận thấy vụ việc không thuộc phạm vi giải quyết của mình nên đã có văn bản trả lời ông Huỳnh Hữu Vinh. Đồng thời báo cáo lên UBND huyện xem xét.

Theo hồ sơ do Hạt Kiểm lâm huyện công bố, vùng đất tranh chấp thuộc quản lý của Lâm trường Đại Lộc. Năm 2002, lâm trường giải thể, bàn giao đất cho UBND xã, huyện quản lý. Kể từ khi Lâm trường Đại Lộc giải thể, ông Huỳnh Hữu Vinh không có hồ sơ chứng minh sở hữu diện tích đất canh tác nói trên được cấp có thẩm quyền xác nhận. Về phía các hộ dân xã Đại Hồng, vốn là những hộ được Lâm trường Đại Lộc giao khoán trồng rừng từ năm 1995 - 1997. Khi lâm trường giải thể, những hộ trên không nhận được tiền trồng rừng giao khoán, đành lấy tài sản trên những diện tích mà họ đã canh tác, vun trồng. Cho tới thời điểm này, phía ông Huỳnh Hữu Vinh cũng như nhóm hộ chưa ai được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

HOÀNG LIÊN

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất